Trong những năm gần đây nhiều chủ trương chính sách của Đảng, của Chính phủ đã ưu tiên cho phát triển ngành Thủy sản trong đó có nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Đây là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người nuôi, nhưng chưa được phát triển ở các tỉnh miền núi, trong đó có Cao Bằng. Tại thị trường Việt Nam hiện nay mỗi viên ngọc đẹp có giá trị lên tới hàng trăm đô la (USD), ngoài ra có thể tận thu ngọc trai tự nhiên để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau nên mô hình nuôi trai lấy ngọc đã được thực hiện ở nhiều địa phương trong cả nước.
Cao Bằng là một tỉnh có điều kiện tự nhiên khí hậu mát lạnh, tiềm năng mặt nước cũng như các hệ sinh thái thủy vực rất phù hợp cho các loài thủy sản nước ngọt phát triển đặc biệt là loài trai, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, một nghề mới kết hợp nuôi các loại thủy sản khác sẽ tạo hướng đi gắn với nhu cầu thị trường, cho người nuôi thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị…Hiện tại, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc đang được thí nghiệm triển khai mô hình tại Xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, với diện tích Hồ nuôi 3.000 m2, do Ông Nguyễn Công Hoạt, phối hợp với Ông Bế Nhật Tân thực hiện. Mô hình thí nghiệm đã thả 2.500 con trai, sau 12 tháng nuôi thả, đến nay đạt kết quả rất khả quan, trai trưởng thành phát triển nhanh và đã có sản phẩm ngọc, ngọc bóng sáng với 3 màu tím huế, trắng, hồng, ngọc trai màu đen là loại có giá trị kinh tế rất lớn nên cá nhân ông Hoạt và ông Tân cũng đang nghiên cứu phương pháp cấy ghép sản phẩm ngọc trai đen, tỷ lệ trai bị chết trong ngưỡng cho phép từ 10-15%. Trai nước ngọt có vòng đời trung bình đạt khoảng 8 năm tuổi, vòng đời của trai không xác định được giới tính cụ thể (trai nước ngọt là loài lưỡng tính) qua theo dõi phát hiện, chúng thay đổi giới tính theo từng năm không xác định. Trai trưởng thành có kích thước và trọng lượng của từng loài. Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc không ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường là do đặc tính hút lọc nước (Si phông) để bắt mồi, mà trái lại còn tự làm sạch nguồn nước, thức ăn của trai là các loài khuê tảo, chất cặn vụn hữu cơ trong nước ở một số nơi người ta nuôi trai dưới đáy hồ nuôi để làm phương tiện lọc nước theo phương pháp lọc nước sinh học.
Trong quá trình nuôi không cần phải đầu tư thức ăn, nuôi trai chủ yếu là ở phần đáy nên có thể kết hợp với nuôi các loại thủy sản khác để tận dụng tối đa các tầng nước trong thủy vực. Đây là hướng đi mới trong sản xuất thủy sản hiện nay. Để triển khai thực hiện thành công nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, cần giải quyết những vấn đề về quy trình công nghệ cấy ngọc trai như: Xây dựng bể dưỡng; Kỹ thuật cắt tế bào; Kỹ thuật cấy ghép; Thu hoạch; Xử lý ngọc; Phân loại ngọc.
Sau hơn năm triển khai và đã đạt được thành công bước đầu từ mô hình nuôi trai lấy ngọc của ông Hoạt và ông Tân có thể khẳng định nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại các ao, hồ của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng là hoàn toàn phù hợp. Hiện tại trên thị trường giá 1 con trai giống đã cấy ngọc là 55.000đ/1 con (có trung bình 2 viên ngọc); sau nuôi cấy hai năm giá trung bình là 400.000đ/1 viên ngọc; trừ chi phí giống, tỷ lệ chết, doanh thu và lợi nhuận trung bình đạt 7-8 triệu/ 1m2/ thả 20 con; Đặc biệt, do có đầu ra đảm bảo nên hiện nay cơ sở đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Các cá nhân đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực có nhu cầu nuôi trai nước ngọt lấy ngọc chủ cơ sở sẽ hợp tác, cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật làm mô hình nuôi, lo đầu ra bao tiêu sản phẩm, chuyển giao tiếp nhận quy trình kỹ thuật nuôi trai nước ngọt, cấy ngọc nhân tạo, chăm sóc trai sau khi cấy ngọc tại Hòa An và có thể mở rộng ra một số địa bàn của tỉnh Cao Bằng.
Việc xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật cấy ngọc trai nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc của Ông Nguyễn Công Hoạt và Ông Bế Nhật Tân tại huyện Hòa An, với những kết quả bước đầu đã đạt được dự kiến sẽ nhân rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo ra một nghề mới, tạo sự ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư sống quanh hồ chứa, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương./.