Trang nhất » Tin tức sự kiện » Khoa học & đời sống

Người đam mê công nghệ xử lý rác, bảo vệ môi trường

Thứ ba - 11/01/2022 15:59
Từng là người giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan Nhà nước, khi nghỉ hưu, ông Bế Văn Tú, tổ 5, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng không nghỉ ngơi mà lại tìm đến với công việc mà ai cũng muốn tránh xa. Ông đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý rác thải, biến nó thành những sản phẩm có ích. “Hệ thống và quy trình xử lý rác” của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ câp bằng độc quyền sáng chế vào tháng 5/2020.
Hai cha con ông Bế Văn Tú và chị Bế Thị Diệp Hà ký thành công hợp đồng chuyển giao quy trình công nghệ cho công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Thịnh Vượng, tỉnh Bắc Ninh

Hai cha con ông Bế Văn Tú và chị Bế Thị Diệp Hà ký thành công hợp đồng chuyển giao quy trình công nghệ cho công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Thịnh Vượng, tỉnh Bắc Ninh

Ông Bế Văn Tú, sinh năm 1953, ông nhập ngũ năm 1971, đến 1975 đi học đại học Kinh tế Kế hoạch nay là Đại học Kinh tế Quốc Dân, sau khi học ra trường ông được phân công nhiều vị trí công tác. Đến năm 2000 ông được bổ nhiệm là Phó Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Cao Bằng, vài tháng sau ông làm Giám đốc của công ty. Năm 2002 ông chuyển sang làm Chánh thanh tra Sở Công Thương cho đến năm 2012 thì nghỉ hưu. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Ông vẫn luôn trăn trở về phương pháp xử lý rác thải làm sao đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề ông đã ấp ủ thực hiện từ những năm còn làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Cao Bằng. Dù là Giám đốc công ty nhưng ông Tú luôn tận tâm với công việc, quan tâm đến quyền lợi và đời sống cán bộ, công nhân và người lao động trong công ty bởi xử lý rác là công việc nặng nhọc, độc hại. Trong thời gian công tác, ông đã tìm hiểu rất kỹ về quy trình xử lý rác thải của công ty nói riêng và của tỉnh Cao Bằng nói chung. Rác thải mà hàng ngày công ty ông thu gom là rác hỗn hợp. Các chất thải rắn đô thị công ty sẽ thu gom và tiêu hủy, rác thải sinh hoạt được xử lý theo các cách như chôn, đốt. Tuy nhiên, dù là xử lý rác theo hình thức nào thì đều gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và gây hại cho sức khoẻ con người.
 
Theo ông Tú, rác thải sinh hoạt tăng lên từng ngày là nguyên nhân khiến vấn nạn ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương tổ chức lực lượng đi thu gom rác mỗi ngày nhưng bản chất của công việc đó là gom rác chỗ này rồi đổ ở chỗ khác. Đây là hình thức xử lý với nhiều nhược điểm, như: tốn diện tích đất, phát sinh mùi hôi thối, phát sinh dịch bệnh gây tác động xấu tới môi trường. Vì thế nếu không bắt tay vào việc xử lý và giảm tải sự ô nhiễm môi trường ngay từ hôm nay thì tương lai con cháu chúng ta sẽ phải sống trong bầu không khí vô cùng ô nhiễm. Chưa kể, rác cũng là một nguồn tài nguyên có thể tái chế, tái sử dụng. “Ở mình thì rác chỉ là rác, là thứ bỏ đi. Nhưng với nhiều nước phương Tây, họ đã biết tận dụng rác để phân loại và tái chế thành nguyên liệu, chất đốt để tái sử dụng”, ông Tú chia sẻ. Không cam tâm nhìn môi trường sống ngày càng bị hủy hoại, ông Tú bắt đầu trăn trở với ý tưởng sẽ chế tạo ra dây chuyền, công nghệ xử lý rác thải dành cho người Việt. Ý tưởng của ông đã được nhen nhóm từ năm 2002. Tuy nhiên dự định đó mới thực sự được hiện thực hoá sau hơn 10 năm tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu về quy trình xử lý rác, cơ duyên đến khi ông tham gia Sáng kiến cải tiến kỹ thuật Tỉnh do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Tỉnh tổ chức. Năm 2017, sau khi được sự tham vấn của Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng, ông và con gái đã gửi đề tài “Hệ thống và quy trình xử lý rác” đến Cục Sở hữu trí tuệ. sau hai lần bảo vệ thương hiệu, và gần hai năm Cục Sở hữu trí tuệ đăng công báo sở hữu công nghiệp. Đến năm 2020 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng độc quyền sáng chế theo Quyết định số: 4867w/QĐ-SHTT, ngày 07/05/2020, của hai tác giả: Bế Văn Tú và Bế Thị Diệp Hà.
 
Ông Bế Văn Tú chia sẻ: về cơ bản thì công nghệ xử lý của ông sáng chế ra sẽ xử lý được cùng một lúc tất cả các loại rác mà con người hằng ngày đang xả ra môi trường - đây chính là tính năng ưu việt của công nghệ khi xử lý được rác thải tổng hợp, chưa qua phân loại – là đặc điểm chung của rác thải của Việt Nam. Ngoài ra công nghệ lò đốt còn sản xuất điện năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người. Khác với các lò đốt rác thông thường chỉ có thể xử lý đốt cháy được khoảng 50 - 60%, còn lại vẫn phải xử lý theo hình thức đổ, chôn lấp, quy trình công nghệ của ông xử lý rác triệt trên 90%, không qua chôn lấp, không tốn quỹ đất, không nước thải độc hại, không xả các loại khói độc ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, dựa vào quy luật chuyển hóa tự nhiên, tiến hành phân loại rác tổng hợp thành ba loại sẽ được đưa vào xử lý để biến đổi rác thải trở thành các loại sản phẩm tái chế sử dụng có lợi về mặt kinh tế và thân thiện với môi trường. Sản phẩm cuối cùng của quy trình là mùn đất, được sử dụng làm phân bón cho các loại cây trồng. tro đốt sản phẩm gần như là phân hữu cơ không hóa chất, không độc hại.
 
Là người hỗ trợ cho ông Tú từ những ngày đầu thực hiện đề tài, chị Bế Thị Diệp Hà – con gái út của ông Tú đã đồng hành với ông trong suốt quá trình làm việc. Chị Diệp Hà chia sẻ: “Trong hơn 10 năm xây dựng bảo vệ công trình, trong quãng thời gian ấy tôi đã hỗ trợ bố tôi về kỹ thuật, công nghệ thông tin, đóng góp ý kiến với bố để hệ thống xử lý rác được hoàn thiện và tối ưu nhất có thể. Hai bố con cũng tâm đầu ý hợp để cùng thực hiện những tâm nguyện của bố tôi đó chính là làm sạch rác, làm sạch môi trường sống. Cho đến bây giờ tôi cũng cảm thấy đam mê công việc này. Hệ thống xử lý rác thải của chúng tôi ưu việt so với những dây truyền công nghệ khác nhập khẩu từ nước ngoài về. Những dây truyền nhập khẩu rất tốt và hiện đại nhưng chỉ phù hợp với rác thải của nước ngoài. Vì rác thải của họ đã được phân loại từ ban đầu, họ có dây truyền xử lý từng loại rác riêng nên công nghệ của họ khi áp dụng xử lý rác hỗn tạp, chưa được phân loại, xử lý của Việt Nam là không phù hợp. Do đó mà quy trình xử lý rác của chúng tôi rất đảm bảo, phù hợp với rác thải nước ta. Đối với dây truyền của chúng tôi thì rác cũng sẽ được phân loại, tiêu huỷ và tái chế lại rác thải được hơn 90% thành phân bón, hoặc thành điện năng”.
 
Năm 2019 ông Bế Văn Tú đã thành lập Công ty TNHH xử lý triệt tiêu rác công nghệ xanh, Công ty hoạt động với 3 chức năng, nhiệm vụ chính đó là: xử lý rác thải (gồm rác thải rắn sinh hoạt, rác thải y tế và xử lý rác công nghiệp) tư vấn và chuyển giao kỹ thuật quy trình công nghệ xử lý rác. Với việc được cấp bằng độc quyền sáng chế “Hệ thống và quy trình xử lý rác” công ty của ông đã được nhiều công ty trong nước tìm đến hợp tác. Đặc biệt trong tháng 10/2021, Công ty của ông Tú đã chuyển giao quy trình công nghệ cho Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Thịnh Vượng, Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, hợp đồng ký kết hợp tác trị giá hàng trăm triệu đồng. Đây chính là tiền đề quan trọng để Công ty của ông Tú sẽ có bước tiến xa hơn. Phấn khởi chia sẻ thành quả của mình, ông Bế Văn Tú nói: “Khi có được quy trình kỹ thuật công nghệ thì để đưa vào thực tế thì tôi đã có hợp đồng sửa chữa cho nhà máy rác Đan Phượng, Hà Nội với công suất là 300 tấn/ngày, công việc mới bắt đầu từ nghiên cứu, khảo sát trên cơ sở hoạch định cách sửa chữa. Tuy nhiên do dịch bệnh nên cũng có sự trì hoãn. Gần đây một công ty con của Công ty Sam Sung tại Bắc Ninh sau khi nghiên cứu quy trình kỹ thuật của tôi thì họ có áp dụng được và từ đó tư vấn và tham góp kỹ thuật người ta thấy áp dụng được nên đã ký hợp đồng. Họ cũng báo cáo công ty mẹ là công ty Sam Sung Hàn Quốc nghiên cứu. Tôi cũng hy vọng là công ty Sam Sung Hàn Quốc sẽ áp dụng quy trình xử lý rác của tôi. Tôi rất vui vì không nghĩ tầm vươn của mình không chỉ ở Việt Nam mà tới này sẽ có thể vươn xa hơn ra Thế giới”.
 
Sau hơn 10 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, niềm đam mê công nghệ xử lý rác thải, bảo vệ môi trường của hai cha con ông Bế Văn Tú và Bế Thị Diệp Hà, giờ đây đã bắt đầu cho trái ngọt. Tuy nhiên điều khiến ông trăn trở bấy lâu nay đó chính là chưa áp dụng được hệ thống xử lý rác của mình tại Cao Bằng. Ông cho biết: “Đến giờ phút này sau khi đã có kỹ thuật xử lý rác gần như triệt tiêu, tôi có mong muốn được áp dụng rộng rãi trong cả nước, tại các thành phố lớn đặc biệt là ở Cao Bằng. Nếu tỉnh mình có nhu cầu thì tôi sẵn sàng hỗ trợ toàn bộ chứ không bàn đến lợi nhuận, vấn đề chính là được đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào việc làm sạch môi trường nơi mình đang sinh sống, khi đó sáng chế của hai cha con tôi mới thực sự trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.”

Tác giả bài viết: P.H

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

PHIM PHỔ BIẾN KIẾN THỨC KH&CN


HOẠT ĐỘNG THAM MƯU TƯ VẤN

KỶ YẾU KH&CN

THÔNG TIN NHIỆM VỤ KH&CN

CÔNG TÁC XUẤT BẢN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 74

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 73


Hôm nayHôm nay : 5159

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 649166

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23553202















Trang thông tin điện tử Sở KH&CN Cao Bằng