Trang nhất » Tin tức sự kiện » Khoa học & đời sống

Khoa học và Công nghệ làm tốt công tác đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho người dân

Chủ nhật - 10/05/2020 13:24
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch hồ Chí Minh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân”, trong những năm qua, ngành KH&CN tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN bám sát kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, qua đó đã nghiên cứu xây dựng được nhiều quy trình kỹ thuật sản xuất mới đem lại hiệu quả cao và tổ chức tập huấn, đào tạo mở rộng cho hàng nghìn hộ dân nắm vững kỹ thuật để áp dụng.
300 học viên là các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp trên cam quýt và bảo quản sau thu hoạch

300 học viên là các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp trên cam quýt và bảo quản sau thu hoạch

Các nhiệm vụ KH&CN được thực hiện trong thời gian qua do các cơ quan, đơn vị, địa phương đặt hàng và đề xuất nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách được đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh được tổ chức triển khai trên tất cả các lĩnh vực (gồm: Tự nhiên; Nông, lâm nghiệp; Kỹ thuật công nghệ; Y dược; Điều tra cơ bản; Xã hội  và Nhân văn). Trong đó, các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Nông, lâm nghiệp; Kỹ thuật công nghệ chiếm trên 50% tổng số các nhiệm vụ KH&CN được thực hiện. Các nhiệm vụ này đã tập trung nghiên cứu, phục tráng và phát triển thành công nhiều loại cây, con và sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, xã hội của tỉnh Cao Bằng như: Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam quýt theo hướng sản xuất hàng hoá; Nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất cây Dạ Hiến theo hướng VIETGAP quy mô nông hộ tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng; Nghiên cứu phát triển giống lúa thuần ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt cho vùng miền Đông của tỉnh; Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp Hương Bảo Lạc và Pì Pất Cao Bằng; Nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến tạo một số sản phẩm chè đặc sản từ các giống chè mới tại Phia Đén, Cao Bằng;...

Thông qua quá trình nghiên cứu, nhiều quy trình kỹ thuật sản xuất mới đã được xây dựng; tổ chức đào tạo, tập huấn nhân rộng cho các hộ dân và ứng dụng vào thực tế sản xuất đem lại hiệu quả cao, được người dân đồng tình hưởng ứng. Cụ thể như:

Đề tài “khai thác và phát triển nguồn gen lê Đông Khê, lê Nguyên Bình và lê Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng” đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp, sơ chế và bảo quản lê và tổ chức đào tạo, tập huấn cho 03 lớp/60 người tại 3 huyện về quy trình này; Quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây lê được ứng dụng tại mô hình thâm canh tổng hợp cây lê tại 3 huyện: Thạch An, Nguyên Bình, Bảo Lạc với diện tích 04 ha. Kết quả đạt được quả to trung bình 416,36g/quả, mã quả nâu vàng sáng bóng, quả ngọt, năng suất đạt 17,2 tấn/ha, cao gấp đôi so với khu vực.

Đề tài “Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam quýt theo hướng sản xuất hàng hoá” đã nghiên cứu xây dựng 04 chuyên đề về định hướng phát triển cam quýt tại các huyện Hoà An, Trà Lĩnh, Nguyên Bình và Thạch An; Xây dựng 2ha mô hình trồng mới quýt xen ổi tại 2 xã: Trọng Con, huyện Thạch An và xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình với 1.500 cây quýt và 375 cây ổi. Cây giống được sản xuất theo quy trình sản xuất giống cây có múi sạch bệnh trong hệ thống nhà lưới 3 cấp của Viện bảo vệ thực vật. Việc áp dụng quy trình trồng mới và thâm canh cam quýt sạch bệnh cho cây sinh trưởng phát triển tốt, sạch bệnh; Nghiên cứu áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp kết hợp với xử lý bằng các hoạt chất bảo vệ thực vật kháng nấm trước thu hoạch 45-60 ngày đã làm giảm tỷ lệ thối rụng quả trên đồng ruộng từ 71,10-76,14%. Sau thu hoạch xử lý quả quýt Trà Lĩnh bằng nano chitosan 5% có hiệu quả giảm tỷ lệ thối hỏng là 78,76% và cam Trưng Vương xử lý muối NAHCO3 2% hiệu quả đạt 76,74%. Đơn vị chủ trì thực hiện đề tài đã tổ chức chuyển giao cho 07 cán bộ của địa phương về công nghệ sản xuất cây ăn quả có múi sạch bệnh, gồm: Quy trình vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng giống cây có múi; Quy trình chẩn đoán và giám định bệnh greening và tristera bằng kỹ thuật PCR, ELISA; Quy trình làm bầu không đất; Quy trình ghép mắt nhỏ có gỗ; Quy trình trồng mới thâm canh cam quýt sạch bệnh. Tổ chức 10 lớp tập huấn cho 300 học viên về quy trình trồng, chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp trên cam quýt và bảo quản sau thu hoạch cho các hộ nông dân trồng cam quýt tại các xã: Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc, huyện Trùng Khánh và xã Trưng Vương, xã Hà Trì huyện Hoà An.

Đề tài "Nghiên cứu phát triển giống lúa thuần ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt cho vùng miền Đông của tỉnh" đã xây dựng được các quy trình kỹ thuật thâm canh giống lúa thuần ĐS1, VS1, Trân Châu Hương và tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh các giống lúa cho 50 người dân áp dụng vào sản xuất. Các quy trình kỹ thuật trên đã được người dân áp dụng thành công tại mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa mới ĐS1, VS1, Trân Châu Hương với số hộ tham gia là 90 hộ, quy mô 10 ha tại huyện Quảng Uyên. Kết quả, năng suất đạt từ 62-65 tạ/ha, thu nhập đạt 49,6-58,5 triệu đồng/ha, cao hơn giống lúa Đoàn Kết trong cùng điều kiện thâm canh. Phù hợp với sản xuất vụ mùa của các huyện miền Đông.

Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất cây Dạ Hiến theo hướng VIETGAP quy mô nông hộ tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng” đã xây dựng được quy trình sản xuất, hướng dẫn thu hái, bảo quản rau Dạ Hiến và tiến hành tập huấn kỹ thuật cho hơn 530 lượt người tham gia, tổ chức 02 hội nghị đầu bờ, 1 hội thảo về sản xuất và tiêu thụ rau Dạ Hiến, đào tạo được 10 kỹ thuật viên thực hiện thành thạo các quy trình đó.

Đề tài " Nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến tạo một số sản phẩm chè đặc sản từ các giống chè mới tại Phia Đén, Cao Bằng" đã xây dựng thành công 04 quy trình kỹ thuật gồm: quy trình chế biến chè xanh thơm, quy trình chế biến chè sợi, quy trình chế biến chè tôm, quy trình chế biến chè dẹt và tổ chức đào tạo, tập huấn được 80 lượt người về các quy trình trên. Hiện nay, các quy trình này đang được Công ty TNHH xây dựng miền Tây ứng dụng và tạo ra được 06 loại trà đạt tiêu chuẩn sạch, chất lượng cao gồm: chè xanh thơm, chè Mao Tiêm, chè Ôlong, chè sợi, hồng trà, chè Đông phương mỹ nhân. Các sản phẩm chè này đã có mặt ở tất cả các siêu thị, các điểm du lịch tại Cao Bằng và một số địa phương khác. Đặc biệt, Công ty đã nhận được đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài như: Canada, Hàn Quốc, Đài Loan,… Giá bán của các sản phẩm chè của Công ty TNHH xây dựng miền Tây trung bình từ 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng, loại chè đặc biệt có giá từ 100 - 300 USD, cao gấp 3-4 lần giá trị sản phẩm chè xanh Phia Đén. Việc các sản phẩm chè xanh của Công ty TNHH xây dựng miền Tây phát triển đã và đang mở ra nhiều cơ hội giúp người dân huyện Nguyên Bình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững từ việc trồng chè.

Ngoài ra, các đề tài như: Nghiên cứu, phục tráng và phát triển giống mận đặc sản tại tỉnh Cao Bằng; Nghiên cứu kỹ thuật trồng một số giống tỏi của Cao Bằng để sản xuất tỏi, tỏi đen và các sản phẩm từ tỏi đen”; Ứng dụng các sản phẩm nano kim loại Cu0, Fe0, Co0 trong quá trình xử lý hạt giống nhằm kích thích tăng trưởng, tăng năng suất thu hoạch cho cây ngô trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất cá giống chép lai 2;3 máu tại tỉnh Cao Bằng;... cũng đã nghiên cứu thành công được nhiều quy trình sản xuất mới để chuyển giao, tập huấn cho người đan ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao.

Thành công của các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực Nông, lâm nghiệp; Kỹ thuật công nghệ trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua không chỉ dừng lại ở việc thực hiện được các mô hình sản xuất thử nghiệm đạt hiệu quả cao, mà qua đó đã xây dựng được các quy trình kỹ thuật mới. Các quy trình kỹ thuật này đã được tổ chức đào tạo, tập huấn thành công cho người dân, giúp người dân nâng cao năng lực ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất cũ và thấy được hiệu quả, vai trò của khoa học và kỹ thuật trong sản xuất. Việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất mới đã giúp tăng được năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, khiến người dân tin tưởng hơn vào các thành quả từ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì vậy, Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm thực hiện các đề xuất liên quan tới lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và Kỹ thuật công nghệ ./.

HN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

PHIM PHỔ BIẾN KIẾN THỨC KH&CN


HOẠT ĐỘNG THAM MƯU TƯ VẤN

KỶ YẾU KH&CN

THÔNG TIN NHIỆM VỤ KH&CN

CÔNG TÁC XUẤT BẢN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 40

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 38


Hôm nayHôm nay : 11217

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 93366

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25267012















Trang thông tin điện tử Sở KH&CN Cao Bằng