Trang nhất » Tin tức sự kiện » Khoa học & đời sống

Để nhãn hiệu chứng nhận Thạch đen Thạch An – Cao Bằng mãi vươn xa

Thứ năm - 04/11/2021 15:18
Thạch đen là một món giải khát dân dã và khá quen thuộc với mọi người dân Cao Bằng, có xuất xứ từ huyện Thạch An - nơi nổi tiếng với những câu hát lượn slương và những nương rẫy trồng cây thạch đen trải dài xanh ngút tầm mắt. Đến huyện Thạch An, du khách còn có thể đến thăm khu di tích chiến thắng Đông Khê rồi chinh phục ngọn núi Báo Đông – Nơi Bác Hồ chọn làm đài quan sát chỉ huy chiến dịch biên giới 1950 tại xã Đức Long. Và rồi trong suốt hành trình ấy quý khách có thể mua thạch đen mang theo để thưởng thức, đó quả là sự trải nghiệm thú vị. Vừa được tìm hiểu về lịch sử, được thưởng ngoạn cảnh đẹp và lại được thưởng thức món ăn mát lành, bổ dưỡng.
Thạch đen Thạch An - Cao Bằng được nhiều người ưa chuộng, tin dùng

Thạch đen Thạch An - Cao Bằng được nhiều người ưa chuộng, tin dùng

Thạch đen Cao Bằng có thành phần chính là cây Thạch đen, bột lọc và đường hoa mai. Cây Thạch đen còn gọi là cây Sương sáo hay lương phấn thảo, có tên khoa học là Mesona Chinensis Benth. Đây là loại cây thân thảo, cao khoảng 40-60cm; thân 4 cạnh, phân nhánh nhiều, toả ra trên mặt đất giống như cây bạc hà. Lá thạch đen thuộc loại lá đơn, mọc đối, dày, màu xanh nhạt, hình trứng hay trứng thuôn, mép có răng. Hoa mọc thành cụm dày đặc ở đầu cành, có cánh môi màu trắng hay hồng, cây ra hoa vào cuối thu, đầu đông. Trên thân cây có lông thô rậm và khi già chuyển sang màu đỏ – hồng, nếu phơi khô sẽ chuyển sang màu xám đen.  Đặc tính của cây Thạch đen là cây ưa sáng và ẩm nhưng đòi hỏi thoát nước, cây phát triển tốt hơn khi được trồng ở đất rẫy, ẩm, đất dốc nhẹ, hoặc đất ven suối ẩm thuộc loại đất thịt pha cát màu xám hoặc xám vàng, không lẫn đá. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên cây thạch đen phát triển rất tốt, không phải sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Có thể trồng được cả ở rẫy và ở ruộng.

Cây thạch đen được trồng từ tháng 4, 5 âm lịch, nếu thời tiết khô hạn thì đến tháng 6 mới trồng. Sau 4 - 5 tháng có thể thu hoạch. Thời điểm thu hoạch thích hợp là khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn sẽ cho năng suất cao nhất. Khi thu cần cắt sát gốc, thân và lá thu về rải đều, phơi nhẹ 1 nắng sau đó đánh đống lại 1-2 ngày mới đem ra phơi tiếp khoảng 2-3 ngày là khô, rồi được bó lại cất dùng. Cứ 10 kg tươi  thu được 1 kg khô. Cây phơi khô rồi để trên gác bếp chứ không cần bảo quản cầu kỳ, cũng không cần sử dụng các loại hoá chất chống mốc, chống ẩm. Thạch đen chỉ được nhân giống bằng vô tính, nguồn giống chủ yếu là bằng gốc thân của vụ trước.

Tại huyện Thạch An, cây thạch đen được người dân trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước với khoảng 200 ha.  Diện tích ngày càng được tăng lên, hiện nay có khoảng 350ha trồng thạch đen, tập trung chủ yếu ở các xã: Trọng Con, Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng... Nhiều gia đình ở huyện Thạch An thu được hàng chục triệu nhờ trồng cây thạch đen. Bà con các dân tộc Tày, Nùng và cả người Kinh ở đây đều muốn phát triển diện tích vì cây dễ trồng, vừa để bán mà cũng cất lại một phần để tự làm thạch. Nếu chăm bón tốt và biết cách khai thác, một năm có thể thu hoạch được 2 lần. Theo kết quả khảo sát tại huyện Thạch An, trồng thạch đen đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng  khác. Năng suất trung bình đạt 7 - 10 tấn cây thạch khô/ha; nếu giá trung bình từ 18-20 nghìn đồng/kg, thu được 16-20 triệu đồng/ha. Những năm được mùa, được giá, sau thu hoạch, thương nhân ở nhiều nơi tổ chức thu mua thạch, nhiều chủ thu gom còn mở xưởng ép, đóng khuôn, giải quyết việc làm cho lao động địa phương lúc nông nhàn. Nếu với giá trung bình từ 12-14 nghìn đồng/kg thì trồng thạch có lãi. Theo tập tục canh tác lâu đời, thạch đen đã trở thành cây trồng gắn bó và trở thành cây mũi nhọn của huyện Thạch An. Là niềm hy vọng cho người dân địa phương để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Món thạch được chế biến bằng cách rửa sạch cành, lá của cây thạch khô rồi được  nấu nhừ, bắc ra để nguội, đổ nước vào túi vải sạch, vắt lọc lấy nước bỏ bã, rồi quấy với bột lọc và đường vào, nấu sôi, quấy đều cho đến khi thạch bắt đầu sánh thì sẽ được đổ vào hộp, chờ nguội là có thể ăn. Quy trình sản xuất dường như không mấy phức tạp và cũng không có gì là bí mật. Đã là người Thạch An, đặc biệt là phụ nữ thì không ai là không biết làm thạch đen bởi đây là món ăn dân dã có từ lâu đời ở đây. Trung bình 1kg cân thạch khô làm được khoảng 20 - 30 kg thạch, mỗi hộp 1kg, giá bán lẻ dao động từ 20 - 30.000 đồng/kg. Số lượng thạch làm được cũng còn tuỳ vào chất lượng của lá, lá càng tốt thì sẽ làm được nhiều hơn và ngon hơn. Để làm một mẻ thạch thì mất thời gian từ 4 - 5 tiếng đồng hồ. Vì làm thủ công, không sử dụng bất cứ loại chất phụ gia nào nên thạch để được khá lâu, bảo quản trong tủ lạnh có thể sử dụng được từ 5 - 6 ngày. Thành phẩm làm ra phải dai, có độ giòn, dậy mùi thơm của lá, đen bóng như thể soi gương được. Khi ăn vào có vị thanh mát, thơm nhẹ của lá thạch đen. Thạch có thể ăn riêng hoặc ăn cùng với chè, tào phớ, sữa đậu... 

Thạch đen không chỉ là một thứ giải khát thông thường mà còn là một tân dược với hàm lượng Polyphenol, tanin, pectin chiếm trên 50%. Đây là những chất làm tăng đáng kể tính giãn nở của mạch máu, chống oxy hóa, giảm cholesterol trong máu. Ngoài ra, lá cây thạch đen có vị hơi ngọt, tính mát, có công dụng mát gan, thanh nhiệt, nhuận tràng, trị cảm mạo, hỗ trợ người bị tiểu đường, ổn định huyết áp, chống lão hóa.

Người dân Thạch An cho đến nay vẫn duy trì nghề làm thạch đen vì luôn coi rằng đây là nghề gia truyền cần phải gìn giữ và phát triển. Nhiều gia đình  việc duy trì làm thạch không phải chỉ vì mục đích kinh tế mà còn là cách để khỏi quên nghề, để đưa hương vị thạch đến với nhiều người, nhiều nơi và khi đến các bản làng của huyện Thạch An bạn dễ dàng bắt gặp cảnh người người làm thạch, nhà nhà làm thạch, không phân biệt tuổi tác, giới tính, ngành nghề và mọi người đều làm thạch. Những câu chuyện về tình cảm làng xóm, tình nghĩa gia đình cũng được sẻ chia trong quá trình làm thạch. Do đó, cây thạch đen cũng chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của xóm làng, sự trưởng thành của mỗi thế hệ. Đến với các gia đình ở huyện Thạch An thì hầu như nhà nào cũng có hộp thạch để sẵn trong tủ lạnh để mời khách đến chơi nhà. Người Thạch An đi đâu cũng giới thiệu món Thạch đặc sản quê hương với bạn bè, đồng nghiệp.

Để bảo vệ danh tiếng, thúc đẩy quảng bá và thương mại hóa sản phẩm, việc xây dựng và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm từ cây thạch đen Thạch An là rất cần thiết. Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh, Trường Đại học kinh tế và quản trị kinh doanh đã thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển NHCN “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An", đến nay sản phẩm Thạch đen dạng thực phẩm, cây thạch đen khô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 373302 tại Quyết định số 105683/QĐ-SHTT ngày 16 tháng 12 năm 2020; nhãn hiệu do UBND huyện Thạch An là chủ sở hữu.

Ngày 18/12/2020, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc, đây là cơ hội tốt để phát huy hiệu quả của nhãn hiệu chứng nhận “Thạch An” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng” đồng thời mở ra thị trường xuất khẩu chính ngạch rộng lớn đối với sản phẩm đặc trưng và có tiềm năng rất lớn của vùng miền núi phía Bắc nói chung và Thạch An nói riêng./.

Tác giả bài viết: Phan Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

PHIM PHỔ BIẾN KIẾN THỨC KH&CN


HOẠT ĐỘNG THAM MƯU TƯ VẤN

KỶ YẾU KH&CN

THÔNG TIN NHIỆM VỤ KH&CN

CÔNG TÁC XUẤT BẢN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 82


Hôm nayHôm nay : 12809

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12809

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23610710















Trang thông tin điện tử Sở KH&CN Cao Bằng