Vai trò của khoa học công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Thứ hai - 17/05/2021 11:39
Sự phát triển mạnh mẽ của Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tạo ra những dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển xã hội. Thực tế đã chứng minh KH&CN là một bộ phận nguồn lực không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Điều đó đặc biệt đúng trong hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp (DN), việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu… Nhờ vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Dự án Dây chuyền sản xuất tôn chống nóng của Công ty TNHH Giang Hiền
Thực hiện nhất quán các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN, với định hướng “KH&CN là quốc sách hàng đầu, quan trọng nhất, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, trong giai đoạn 10 năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển KH&CN của Trung ương, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản định hướng, cơ chế, chính sách về phát triển KH&CN. Bám sát tinh thần, quan điểm trong phát triển KT-XH là lấy DN (hợp tác xã) là trung tâm của sự khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành “Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các DN trên địa bàn tỉnh Cao Bằng” thông qua Nghị quyết được ban hành lần đầu vào năm 2009 (Nghị quyết số 09/2009/NQ-HĐND tỉnh ngày 17/7/2009); sau đó được sửa đổi, thay thế bằng Nghị quyết số 30/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 và sửa đổi, bổ sung vào năm 2019 với Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019).
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay đã hỗ trợ đối với 20 cơ sở, tổ chức, DN với tổng kinh phí là 1.439 triệu đồng, trong đó: hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ 04 DN với 900 triệu đồng; hỗ trợ về hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đối với 06 DN với 469 triệu đồng; hỗ trợ hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 10 DN, cơ sở sản xuất và cá nhân với tổng kinh phí 79 triệu đồng.
Qua việc triển khai các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, các cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển KH&CN, nhìn chung, nhận thức của doanh nghiệp và người dân về vai trò của KH&CN đối với sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có bước chuyển biến đáng kể. Một số doanh nghiệp đã ưu tiên đầu tư, tiếp thu và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại vào sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ tạo bước tiến mới trong nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, qua đó thu được nhiều kết quả đáng khích lệ
Trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 39 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCNV ISO 9001; có 21 đơn vị có công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; 84 tổ chức, đơn vị doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận mã số-mã vạch áp dụng cho sản phẩm, hàng hoá do cơ sở sản xuất, phân phối, kinh doanh tổ chức, doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng. Qua đó đã góp phần duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại; thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ: số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký và được cấp bằng độc quyền/giấy chứng nhận đăng ký sở hữu công nghiệp là: 181 đơn đăng ký, hiện đã có 112 văn bằng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể: 01 Bằng độc quyền sáng chế; 14 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; 02 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và 95 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn. Qua đó, đã góp phần quảng bá thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa của các địa phương, doanh nghiệp trên thị trường.
Trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng: giai đoạn 2010-2020, có 06 DN, hợp tác xã có tham gia thực hiện các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh, với tổng số kinh phí thực hiện là 7.639,2 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 3.728triệu đồng; và 2.444,2 triệu đồng vốn đối ứng của DN và người nông dân. Đặc biệt, năm 2014, Dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Hoàn thiện công nghệ sản xuất sắt xốp và nghiên cứu sử dụng sắt xốp để luyện một số thép hợp kim phục vụ kinh tế và quốc phòng” đã được phê duyệt giao cho Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam – Mirex chủ trì thực hiện với tổng dự toán kinh phí phê duyệt 237.805 triệu đồng, trong đó: kinh phí ngân sách nhà nước (nguồn sự nghiệp KH&CN Trung ương) hỗ trợ 72.925 triệu đồng; nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước là: 164.880 triệu đồng. Đến nay, Dự án đã hoàn thành đạt mục tiêu đề ra là nghiên cứu hoàn thiện các quy trình công nghệ nhằm hoàn chỉnh dây chuyền công nghệ sản xuất sắt xốp, đáp ứng năng lực sản xuất với quy mô 10.000 tấn sản phẩm/năm và nghiên cứu thành công các quy trình công nghệ sử dụng sắt xốp để luyện một số thép hợp kim đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ kinh tế và quốc phòng.
Trong hoạt động đổi mới công nghệ, đã có chuyển biến tích cực, các DN đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, cụ thể: Công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Cao Bằng thực hiện Đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng dây chuyền mộc nhà máy gạch tuynel , Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Cao Bằng với dự án Cải tạo Nhà máy nước Tân An - Nâng công suất từ 5.000m3/ngày đêm lên 10.000m3/ngày đêm, Công ty Cổ phẩn Xi măng -Xây dựng công trình Cao Bằng với dự án Cải tạo, lắp đặt hệ thống lọc bụi và ứng dụng công nghệ biến tần mới cho lò đứng xi măng Cao Bằng, Công ty TNHH Giang Hiền với Dự án Dây chuyền sản xuất tôn chống nóng.
Để thúc đẩy hoạt động KH&CN nhằm hiện thực hóa yêu cầu cao về vai trò của KH&CN trong giai đoạn mới, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, CNH-HĐH đất nước trên nền tảng của KHCN&ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững; phải từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm, các trường đại học và các viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển; tạo cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp; hỗ trợ hướng dẫn thành lập qũy phát triển KHCN trong DN, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy kinh tế xã hội nông thôn, miền múi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, Chương trình Hỗ trợ phát triển thị trường KHCN...
Tác giả bài viết: Vũ Thị Hồng Thúy - Phó Giám đốc Sở KH&CN