Tình hình quản lý, sử dụng và phát triển Nhãn hiệu tập thể sau khi được cấp văn bằng bảo hộ tại tỉnh Cao Bằng
Thứ sáu - 25/11/2022 15:11
Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới - giai đoạn phát triển dựa trên nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa trong xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong xu thế đó, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng trở thành vấn đề then chốt trong quan hệ kinh tế - xã hội (KT-XH) và thương mại của mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi địa phương và mỗi doanh nghiệp.
NHTT Nếp Hương Bảo Lạc
Hoạt động quản lý nhà nước về SHTT tại địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh, người dân... nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ và sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Những năm gần đây, hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có nhiều biến chuyển tích cực. Nhiều sản phẩm của tỉnh đã và đang được xây dựng, bảo hộ, khai thác và phát triển, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa sản xuất, từng bước khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Tuy vậy, kết quả đối tượng SHTT được xác lập quyền sở hữu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn rất khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp toàn tỉnh có 207 đơn (trong đó: 10 đơn sáng chế, 19 đơn kiểu dáng công nghiệp, 176 đơn đăng ký nhãn hiệu và 02 chỉ dẫn địa lý) và tổng số văn bằng bảo hộ được cấp là 132 văn bằng (trong đó: có 01 sáng chế, 15 kiểu dáng công nghiệp, 114 nhãn hiệu và 02 chỉ dẫn địa lý).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 08 sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể (NHTT) đó là: Thịt bò H'Mông Cao Bằng; Miến dong hương rừng Phja Oắc; Miến dong Nguyên Bình; Rượu Tà Lùng; Quýt Trà Lĩnh; Khẩu sli Nà Giàng; Nếp Hương Bảo Lạc; Vịt cỏ Trùng Khánh. Việc bảo hộ NHTT giúp kiểm soát chất lượng, giá trị sản phẩm được tăng cao, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc khai thác, phát huy giá trị NHTT sau khi cấp văn bằng bảo hộ còn có nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể:
Đối với NHTT, quyền sở hữu, quản lý và sử dụng NHTT thuộc về tổ chức tập thể nộp đơn. Chính vì vậy, vai trò của các tổ chức tập thể đóng vai trò nền tảng, quyết định đến sự phát triển của các NHTT này. Tại tỉnh Cao Bằng, đa phần các NHTT được bảo hộ dựa trên việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Do đó, các chủ sở hữu NHTT được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án, nhưng khi dự án kết thúc, thì hoạt động rất cầm chừng. Cùng với đó, việc sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương hiện nay chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, manh mún và tự phát, những vùng sản xuất tập trung thì lại chưa tạo được thói quen tuân thủ theo quy trình nhằm đảm bảo và duy trì sự đồng đều về chất lượng của sản phẩm nên đa phần việc xây dựng các NHTT không xây dựng và thành lập được các hợp tác xã mà thành lập hội các nhà sản xuất và kinh doanh làm chủ sở hữu (chỉ có 02/08 NHTT có chủ sở hữu là hợp tác xã). Điều này dẫn đến những khó khăn trong quản lý và phát triển NHTT, đó là: năng lực, vai trò tổ chức, phát triển thương mại, tham gia trực tiếp vào các kênh phân phối còn hạn chế, thiếu sự liên kết trong sản xuất do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cộng đồng; các thành viên tham gia lãnh đạo Hội thực hiện chức năng kiêm nhiệm, thiếu nguồn lực để tổ chức, thúc đẩy các NHTT…
Nhận thức của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh trong vấn đề bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa cao, do thông thường các sản phẩm được bảo hộ thường chưa mang lại hiệu quả kinh tế ngay, mà đỏi hỏi cần phải có sự tiếp tục đầu tư về kinh phí và thời gian nhất định; Sự liên kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng trong nhiều trường hợp các sản phẩm phát triển một cách tự phát, thiếu sự quản lý chặt chẽ của các ngành, các cấp làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm,….
Với các tỉnh có nhiều sản phẩm nông, lâm sản đặc hữu như Cao Bằng, việc bảo hộ nhãn hiệu nói chung, NHTT nói riêng đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của địa phương. Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và phát triển NHTT cần phải tập trung thực hiện các giải pháp như: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế. (2) Đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. (3) Quy hoạch, đầu tư vùng sản xuất tập trung, quy trình ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản tiên tiến, xây dựng giá cả cạnh tranh, xây dựng mối quan hệ tin cậy với khách hàng, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm… (4) Các chủ sở hữu NHTT phải tiến hành quản lý tốt sau khi được cấp văn bằng bảo hộ thông qua các quy chế sử dụng, quy chế quản lý và xử lý nghiêm các sai phạm làm ảnh hưởng đến danh tiếng của sản phẩm… (5) Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cần làm tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy các giá trị của các sản phẩm đã được bảo hộ, quan tâm đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền SHTT; hỗ trợ đăng ký xác lập quyền bảo SHTT cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề mang địa danh.
Tác giả bài viết: CV