Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc, cơ hội và thách thức cho Thạch đen Cao Bằng
Thứ hai - 04/04/2022 14:26
Nghị định thư ngày 8/12/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc đang là cơ hội rất lớn cho thạch đen trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất Thế giới, tuy nhiên nó cũng đặt ra những thách thức lớn khi hiện nay Trung Quốc ngày càng đặt ra các hàng rào với yêu cầu cao, chặt chẽ liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu… Cùng với Tràng Định (Lạng Sơn), Thạch An (Cao Bằng) là một trong hai địa phương trồng thạch đen nhiều nhất cả nước, tuy nhiên, để thạch đen Thạch An phát huy được lợi thế, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh được thị trường đang là vấn đề đặt ra đối với tỉnh Cao Bằng.
Sản phẩm Thạch đen xuất khẩu.
Cơ hội và thách thức cho Thạch đen Thạch An
Tại Cao Bằng trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm thạch đen chủ yếu thông qua các tư thương và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với quan niệm đây là thị trường dễ tính. Việc giao thương không chính ngạch với hợp đồng miệng, giá cả bấp bênh, phụ thuộc thương lái khiến giá trị xuất khẩu không cao, lợi nhuận thu về thường rất thấp. Từ ngày 08/12/2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc đang là cơ hội rất lớn mở ra hướng đi hiệu quả và bền vững cho thạch đen trong việc mở rộng xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất Thế giới. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng lượng sản phẩm Thạch đen xuất khẩu đạt kim ngạch gần 1.4 triệu USD, và còn nhiều dư địa phát triển.
Tại Việt Nam, cây thạch đen được trồng chủ yếu ở Cao Bằng, Lạng Sơn và rải rác ở các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai cũng như một số tỉnh miền núi phía Bắc khác, trong đó, cùng với Tràng Định (Lạng Sơn), Thạch An (Cao Bằng) là một trong hai địa phương trồng thạch đen nhiều nhất cả nước, chất lượng của cây thạch đen ở huyện Thạch An cũng được đánh giá rất cao. Ngày 16/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Thạch đen - Thạch An” số 373302 cho UBND huyện Thạch An. Thạch đen Cao Bằng hầu như được canh tác theo hướng hữu cơ, rất ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, là sản phẩm rất an toàn với người tiêu dùng. Với tiềm năng lợi thế về khí hậu, thổ những rất phù hợp cho cây thạch đen phát triển và giá trị kinh tế cao gấp 4 lần cây lúa, lại dễ trồng, dễ chăm sóc và thu hoạch, cây thạch đen đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo hữu hiệu cho nông dân ở huyện Thạch An với diện tích gần 500ha, trồng ở 8 xã trong huyện; tổng sản lượng khoảng 2.000 tấn.Với giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 60 tỷ đồng cho nông dân, để đảm bảo điều kiện xuất khẩu, hiện nayhuyện Thạch An đã lập hồ sơ cấp 95 mã vùng trồng cây thạch đen, có 03cơ sở đóng gói thạch đen đã được phê duyệt đóng gói xuất khẩu.
Ngoài ra với lợi thế đường biên giới trên bộ dài trên 333 km với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp với thị trường lớn Trung Quốc, chúng ta có lợi thế rất lớn về khoảng cách vận chuyển ngắn, chi phí vận chuyển thấp, đây cũng chính là ưu thế nổi trội của Cao Bằng khi xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc so với các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên với việc đã trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới, hiện nay Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính. Họ ngày càng đặt ra các hàng rào với yêu cầu cao, chặt chẽ liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu…bằng các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì,…. Đặc biệt hiện nay, do tác động của dịch Covid-19 và Trung Quốc đang kiên trì thực hiện chính sách “Zero Covid” trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh. Theo đó đối với các hàng hóa mua bán không theo hợp đồng, không có các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,… làm cho các hộ dân, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro như: nguy cơ bị hủy hợp đồng, đối tác đột ngột đóng cửa, ép giá, trả hàng. Theo thống kê của Văn phòng Thông báo điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), từ tháng 1 tới tháng 10-2021, có tới 42 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc. Vấn đề này đặt ra cho người nông dân và các doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ thạch đen của Cao Bằng cần phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật, thực vật, quy trình canh tác, cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển.
Theo đó để có được các hợp đồng xuất khẩu chúng ta cần phải chuẩn hóa quy trình canh tác và tổ chức sản xuất, sản xuất phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu và muốn đáp ứng các tiêu chuẩn này, nông dân cần triển khai xây dựng mã số vùng trồng thạch đen thực hiện theo chương trình ứng dụng Hệ thống tiêu chuẩn trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu (OTAS) và thông qua các hợp tác xã, các doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Một số giải pháp để thạch đen Thạch An tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác
Trong bối cảnh nêu trên, việc tham gia xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc được xem là cơ hội lớn của thạch đen trong những năm tới. Theo đó, để phát triển sản phẩm này trở thành sản phẩm chủ lực địa phương tham gia xuất khẩu vào Trung Quốc và hướng tới các thị trường khác trên Thế giới như Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc…, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp như:
Thứ nhất, chúng ta cần cần làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc và đóng gói. Theo đó chúng ta cần chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ mã số vùng trồng, kiểm dịch thực vật, quy trình canh tác, cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển. Để triển khai công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, chứng nhận nông sản an toàn,tỉnh cần chỉ đạo ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định. Cụ thể: Đối với mã số vùng trồng, thực hiện theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) ban hành. Đối với cấp mã số cơ sở đóng gói, thực hiện theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 775:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói do Cục Bảo vệ thực vật ban hành. Các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói gửi hồ sơ về Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định. Ngoài ra cần tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong hoạt động đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở trồng trọt đủ điều kiện an toàn thực phẩm (kể cả hoạt động sơ chế tại cơ sở trồng trọt), chứng nhận VietGap trồng trọt, chứng nhận nông sản hữu cơ…
Thứ hai, cần lồng ghép, thực hiện tốt việc sản xuất kinh doanh thạch đen trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất, ổn định sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ thạch đen một cách bền vững. Trong đó, cần tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy nhanh quá trình cấu trúc lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn chặt sản xuất với thị trường, trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh vùng, địa phương, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu.
Thứ ba, tổ chức tốt thị trường, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, đa dạng các hình thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm thạch đen qua các kênh truyền thống và thương mại điện tử kết hợp với việc tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu thạch đen Thạch An. Tăng cường liên kết với các cơ quan có liên quan để kịp thời cung cấp cho địa phương đầy đủ hơn về thông tin các thị trường tiêu thụ; cụ thể hơn các yêu cầu về sản lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm thạch đen xuất khẩu; cung cấp kịp thời sự thay đổi về tiêu chuẩn của sản phẩm mới để địa phương kịp thời có giải pháp chỉ đạo sản xuất...
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu công bố, bảo hộ giống thạch đen, hoàn thiện lại quy trình canh tác, sản xuất đểnâng cao chất lượng, sản lượng thạch đen;tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa và hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; nâng cao trình độ trình độ canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất tạo ra được sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đột phá đáp ứng nhu cầu thị trường; áp dụng các công nghệ chế biến, bảo quản thạch đen để da dạng hóa các sản phẩm đầu ra, kéo dài thời gian bảo quản nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.Thiết lập chuỗi liên kết với sự tham gia tích cực của “4 nhà” (nhà DN, nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước) nhằm cung cấp quy trình sản xuất ổn định, đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề, áp dụng khoa học - công nghệ cho nông dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến. Tích cực thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến đáp ứng về tiêu chuẩn cơ sở đóng gói./.
Tác giả bài viết: Phạm Phi Long - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN