Ngày 20/01/1950, cách đây 71 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 08/SL quy định về đo lường hợp pháp của Việt Nam. Sắc lệnh 08/SL ngắn gọn, xúc tích chỉ gồm 4 tiết, 11 điều nhưng đã bao quát đầy đủ những vấn đề cần giải quyết về hoạt động đo lường tại thời điểm lịch sử đó: thống nhất sử dụng trong cả nước đơn vị đo lường theo hệ mét, quản lý việc sử dụng và sản xuất dụng cụ đo, chế tài xử lý các vi phạm về đo lường, các quy định về thi hành. Sắc lệnh đã nhanh chóng đi vào thực tiễn, đảm bảo sự bình đẳng, quyền lợi của người dân, hiệu lực trong quản lý xã hội hiện thời. Sắc lệnh 08/SL do Hồ Chủ tịch trực tiếp xem xét và ký ban hành đánh dấu mốc lịch sử hình thành và phát triển ngành Đo lường nước ta. Do đó, ngày 11/10/2001, Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20/1 hàng năm làm "Ngày Đo lường Việt Nam".
Trải qua 71 năm, ngành Đo lường nước ta đã phát triển không ngừng và đáp ứng được yêu cầu trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Hệ thống văn bản pháp luật về đo lường đã được sửa đổi nhiều lần và đến nay Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp lý về đo lường tương đối hoàn thiện, bao gồm: Luật Đo lường (2011) và các văn bản dưới Luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay của đất nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong những năm qua, KH&CN ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời khẳng định vai trò vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Trong quá trình phát triển chung của KH&CN, Đo lường có vai trò quan trọng đối với các lĩnh vực của đời sống, sản xuất, an ninh, quốc phòng. Đo lường thống nhất góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân trong giao dịch kinh tế, dân sự, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác đo lường, UBND tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ về đo lường phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, thiết lập mạng lưới các tổ chức kiểm định- hiệu chuẩn- thử nghiệm; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đo lường tới các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ về đo lường; đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường tiềm lực cho các tổ chức kiểm định- hiệu chuẩn- thử nghiệm phục vụ công tác quản lý về Đo lường. Công tác quản lý Đo lường được thanh tra, kiểm tra thực hiện thường xuyên và có nhiều đổi mới sáng tạo đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bảo vệ những tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.Đội ngũ cán bộ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở vật chất được đầu tư, các trang thiết bị, chuẩn đo lường hiện đại, mở rộng các lĩnh vực.
Sở Khoa học và Công nghệ đã lãnh chỉ đạo từng bước nâng cao năng lực kiểm định, hiệu chuẩn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của hoạt động quản lý Nhà nước cũng như nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cụ thể: Trang bị chuẩn đo lường để đo lường đối với phương tiện đo gồm các thiết bị kiểm định, hiệu chuẩn thuộc các lĩnh vực đo lường cơ bản như: Điện, Dung tích, Áp suất, Khối lượng...
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở KH&CN đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định kiểm định phương tiện đo các loại gồm 18 lĩnh vực và hiệu chuẩn 01 chuẩn đo lường. Đồng thời đã được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp phép dịch vụ kiểm định thiết bị X- quang tổng hợp và kiểm xạ (Bức xạ tia X và tia Gamma) , máy chụp cắt lớp vi tính CT scanner dùng trong y tế. Ngoài ra, Trung tâm có khả năng phân tích, thử nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa như: Xi măng; Gạch xây đất sét nung…Trong năm 2020, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn gần 2.000 phương tiện đo các loại phục vụ sản xuất, kinh doanh và trong y tế đã góp phần bảo đảm đo lường thống nhất, chính xác tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi có giao nhận lớn hàng hóa như: hệ thống doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; các hãng kinh doanh vận tải bằng taxi; công ty kinh doanh điện, nước ….
Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn song hoạt động quản lý Nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh đang dần đi vào chiều sâu và hiệu quả mang lại đã được các ngành, doanh nghiệp và người dân thừa nhận. Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh số 08/SL quy định về đo lường hợp pháp của Việt Nam và 21 năm ngày Đo lường Việt Nam, sẽ tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của mình, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.
Đinh Tâm