Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường và liên kết vùng
Thứ tư - 13/01/2021 23:45
Là một tỉnh miền núi biên giới, cách xa những trung tâm kinh tế lớn, địa hình chia cắt mạnh, tài nguyên chủ yếu của Cao Bằng là đất rừng cho phát triển nông - lâm nghiệp, chính vì vậy, Cao Bằng luôn xác định nông - lâm nghiệp là trụ cột của nền kinh tế. Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, Cao Bằng luôn coi KH&CN là giải pháp “then chốt” tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp.
Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường và liên kết vùng
Thực tiễn ứng dụng khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường và liên kết vùng
Trong những năm qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế khuyến khích hoạt động KH&CN được Đảng và Nhà nước ban hành tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhằm hiện thực hóa những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về KH&CN, trong thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về KH&CN, cụ thể như: Chương trình hành động số 34-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 47-CT/TU về tăng cường công tác ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết số 30/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định 2300/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 của UBND tỉnh về việc Ban hành Kế hoạch Phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 tỉnh Cao Bằng;...
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Cao Bằng đã ban hành chính sách phù hợp với đặc thù địa phương, đó là: Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HDDND tỉnh Cao Bằng phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiêp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 04/5/2019 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc ban hành Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN từ tỉnh đến các huyện, thành phố từng bước được quan tâm kiện toàn, ngày càng tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN được đổi mới, quản lý có hiệu quả hơn. Trong đó chú trọng việc đặt hàng tuyển chọn các nhiệm vụ trọng điểm xuất phát từ yêu cầu thực tế. Phương pháp quản lý ngày càng được đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học. Các nhiệm vụ được xem xét thường xuyên, đảm bảo giải quyết những vấn đề bức xúc của tỉnh, ưu tiên nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, thúc đẩy thương mại hóa, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Việc kịp thời cụ thể hóa, áp dụng những chủ trương, chính sách về KH&CN vào thực tiễn địa phương đã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các hoạt động KH&CN, đem lại một số kết quả nổi bật trong nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.
Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Giai đoạn 2011-2020 có 94 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được phê duyệt triển khai thực hiện, với nguồn kinh phí cấp tỉnh là 63,776 tỷ đồng, cấp Trung ương là 20,93 tỷ đồng. Trong đó nghiệm thu đưa vào ứng dụng 94 nhiệm vụ KH&CN tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, văn hóa-xã hội, công nghiệp. Việc đề xuất các nhiệm vụ KH&CN ngày càng gắn liền với thực tiễn, phù hợp với đặc thù điều kiện của địa phương, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đem lại những hiệu quả rõ rệt, thu hút được sự quan tâm của các ngành, các cấp cũng như các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, nhất là đối với các loại cây, con có thế mạnh phát triển hàng hóa của tỉnh như:
Đối với cây thuốc lá tại các huyện Hòa An, Hà Quảng..., các doanh nghiệp hỗ trợ người dân từ giống, cho vay phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và tổ chức thu mua sản phẩm; việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng thuốc lá. Năm 2019, diện tích thuốc lá trên 3.111 ha, sản lượng đạt 7.931,2 tấn, giá trị trung bình đạt trên 77 triệu đồng/ha; chất lượng thuốc lá nguyên liệu ngày càng nâng cao, cung cấp cho các nhà máy sản xuất thuốc lá làm hương liệu chính sản xuất.
Đối với cây mía tại các huyện: Quảng Hòa, Hạ Lang... được người dân và Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng liên kết trong đầu tư sản xuất đạt 3.321,3 ha, sản lượng đạt 212.926,4 tấn; mía được thu mua để tạo ra các sản phẩm đường kính, còn một phần mía nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cây trúc sào với diện tích cho khai thác trên 2.900 ha tại các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thông Nông... cơ bản đáp ứng nguyên liệu cho Công ty TNHH một thành viên 688 và Công ty cổ phần Xây dựng - Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng để sản xuất bàn, ghế, chiếu, đồ gia dụng...
Qua nghiên cứu chọn lọc giống lợn lang Đông Khê góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, địa phương đã chọn lọc được nguồn gen lợn Lang Đông Khê; xây dựng 07 mô hình chăn nuôi hộ gia đình, trong đó có 26 nái sinh sản, 08 con lợn đực giống đạt tiêu chuẩn và khoảng 200 con lợn nuôi thương phẩm; xây dựng hoàn thiện 05 quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn Lang Đông Khê thực hiện trong chăn nuôi tập trung và nông hộ tại địa phương. Hiện nay, đã được các hộ dân mở rộng sản xuất, lợn thương phẩm được cung cấp ra thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao; từ hiệu quả của mô hình UBND xã Trọng Con đã chỉ đạo nhân rộng mô hình, đã triển khai thêm 20 hộ dân, cung cấp hàng trăm con lợn giống để mở rộng sản xuất phát huy thế mạnh của xã; đã có doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chăn nuôi tập trung theo quy trình với qua mô 30 nái.
Xuất phát từ đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa Nếp Hương Bảo Lạc và Pì Pất Cao Bằng” đã hoàn thành việc phục tráng hai giống lúa trên đảm bảo theo quy trình sản xuất giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, tạo ra sản phẩm giống lúa nguyên chủng năng suất bình quân đạt 46 tạ/ha, tăng cao hơn giống cũ 20%; hoàn thiện được quy trình sản xuất giống lúa nguyên chủng và quy trình thâm canh sản xuất lúa để chuyển giao cho địa phương áp dụng, vì vậy năng suất và chất lượng lúa được nâng cao rõ rệt. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài KH&CN, để hướng tới sản xuất lúa Nếp Hương thương phẩm, tỉnh triển khai xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nếp Hương Bảo Lạc và đầu tư triển khai dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản nếp Hương tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” với mục tiêu là ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các kết quả nghiên cứu xây dựng được mô hình liên kết sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu nhân giống, sản xuất, đến xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm nhằm tạo vùng sản xuất gạo đặc sản chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, tăng quy mô sản xuất từ 50ha/vụ lên 100ha/vụ (tại các xã: Xuân Trường 50ha, Khánh Xuân 25ha, Phan Thanh 25ha).
Để góp phần xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tư vấn, hỗ trợ các đơn vị xây dựng thương hiệu sản phẩm, tư vấn hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ công tác xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm có tiềm năng, ưu thế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 186 đơn đăng ký bảo hộ, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 127 văn bằng bảo hộ. Trong đó gồm 02 chỉ dẫn địa lý; 01 nhãn hiệu chứng nhận; 05 nhãn hiệu tập thể; 15 kiểu dáng công nghiệp; 104 nhãn hiệu thông thường. Qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh, làm tăng danh tiếng của sản phẩm, đặc biệt là nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Việc liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người sản xuất thông qua hợp đồng được bảo đảm. Doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đầu tư, đầu vào sản phẩm, thông báo quy định về chất lượng, giá cả thu mua và tiêu thụ sản phẩm; người dân tham gia sản xuất bảo đảm năng suất, chất lượng, bán sản phẩm cho đơn vị đầu tư... Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 06 dự án hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, một số doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty TNHH Kolia đã phát triển hàng chục ha chè canh tác hữu cơ tại khu vực Phja Oắc, Phja Đén (Nguyên Bình), Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng với hàng chục ha trồng lạc giống của các xã trong huyện Thông Nông và Hà Quảng... Tỉnh cũng đã triển khai hoàn thành dự án “Ứng dụng CNTT hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tỉnh Cao Bằng” xây dựng hệ thống phần mềm với hệ thống cơ sở dữ liệu: các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, quy hoạch vùng sản xuất, thông tin thị trường ... với mục tiêu liên kết 4 nhà, góp phần hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Cao Bằng.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN, dự án hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều hạn chế, dẫn đến hiệu quả thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường chưa cao. Một số sản phẩm hàng hóa được hình thành phát triển từ các nhiệm vụ KH&CN, tuy nhiên việc thực hiện theo chuỗi liên kết còn hạn chế ở khâu phát triển sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Do cơ chế chính sách về phối kết hợp các nguồn lực thuộc các chương trình, đề án, kế hoạch khác nhau chưa rõ ràng nên khó triển khai trên thực tế, do vướng mắc về các thủ tục hành chính khác nhau, nên chưa có sự gắn kết, phối hợp, lồng gép trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN với các dự án khác. Mặc dù thấy rằng các nhiệm vụ KH&CN và dự án hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cũng như các dự án sản xuất khác cần có sự liên kết với nhau, nhưng các nhiệm vụ vẫn đứng độc lập. Năng lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn yếu chưa thể tập trung đầu tư cho KH&CN, trong khi hỗ trợ về KH&CN còn khó khăn.
Đề xuất định hướng
Từ thực tế xác định nông - lâm nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, theo đó mọi chủ trương và giải pháp phát triển của Cao Bằng trong những năm tới cần tiếp tục hướng tới mục tiêu khai thác tốt hơn tiềm năng thế mạnh và nâng cao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ KH&CN nhằm nâng năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, tạo cơ hội để sản phẩm thâm nhập và mở rộng thị trường tiêu thụ. Do vậy, tỉnh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp vừa để phục vụ nhu cầu thiết yếu về nông sản thực phẩm của đô thị vừa phục vụ phát triển du lịch, cụ thể như:
Một là: Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KH&CN có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến để phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời nghiên cứu, phát triển công nghệ chế biến để sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu là các sản phẩm nông, lâm sản của địa phương, nhằm tạo ra các kênh tiêu thụ mới cho các sản phẩm nông, lâm sản, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, trọng tâm là: du lịch, dịch vụ; nông nghiệp thông minh; kinh tế cửa khẩu.
Hai là: Tổ chức nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tiềm năng từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ của các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đề xuất và áp dụng các giải pháp phát triển sản phẩm chủ lực trên tất cả các mặt: quy mô sản xuất, giá trị thương phẩm, thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, xác định phương án lựa chọn, đề xuất các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, nhất là các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp cần tập trung phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Ba là: Quan tâm đẩy mạnh công tác phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu, thực hiện truy suất nguồn gốc để các sản phẩm chủ lực của địa phương thuận lợi trong việc tiếp cận các thị trường khó tính trong và ngoài nước.
Bốn là: Nghiên cứu đề xuất cơ chế phối hợp giữa ngành khoa học và ngành nông nghiệp trong việc đề xuất đặt hàng, chuyển giao, nhân rộng kết quả nghiên cứu.
Năm là: Tăng cường công tác duy trì, nhân rộng các mô hình sau khi triển khai nhiệm vụ KH&CN đạt hiệu quả cao; có cơ chế kiểm gia, giám sát việc phổ biến, nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN trong đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tạo sự lan tỏa, xem kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ là trọng tâm của sự phát triển và nâng cao năng xuất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ,…
Sáu là: Chủ động tham gia, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao công nghệ trong triển khai ngoại giao kinh tế. Tận dụng vị thế địa lý thuận lợi của tỉnh tiếp giáp trực tiếp với Trung Quốc là nước có trình độ KH&CN phát triển trong khu vực, nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ hợp tác có tính chất chiến lược, lâu dài về khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên các dự án hợp tác về nông nghiệp.
Bảy là:Quan tâm nâng cao năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển mạnh và bền vững đối với các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng nhanh của địa phương. Quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tham gia theo chương trình quốc gia giai đoạn 2021- 2030 của Chính phủ.
Tám là: Đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Tăng cường liên kết hình thành các trung tâm (phòng) thí nghiệm vùng, để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp về các hoạt động đánh giá chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho các sản phẩm hàng hóa của địa phương, phục vụ các hoạt động thử nghiệm, giám định nhanh chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước và kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa nhập khẩu, nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của các tỉnh miền núi, biên giới trong khu vực.
Chín là: Tổ chức phối hợp với ngành KH&CN, ngành Công thương các tỉnh vùng Đông Bắc nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tiềm năng từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ của các sản phẩm trong vùng Đông Bắc, đề xuất một số cơ chế liên kết dọc phù hợp giữa tác nhân sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu thụ trong chuỗi giá trị nông, lâm sản, thực phẩm hiện hữu. Đồng thời, đề xuất các giải pháp kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa tỉnh Cao Bằng với các tỉnh, thành trong Vùng.
Để khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết và trở thành động lực cho sản xuất cần đổi mới về cách tiếp cận. Khoa học và công nghệ phải tác động vào các khâu của chuỗi liên kết, từ nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất, chế biến đến thị trường; các dự án KH&CN có sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực trồng trọt cần sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP , tiêu chí GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc) …; hỗ trợ bảo hộ quyền sử hữu công nghiệp; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu thị trường. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động quản lý KH&CN, loại bỏ tối đa các rào cản, chồng chéo trong công tác quản lý, phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao, kết hợp đồng bộ các cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút, động viên, khuyến khích các nhà khoa học có năng lực, có tâm huyết gắn bó với công cuộc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của địa phương./.
Tác giả bài viết: ThS Bế Đăng Khoa- Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng