Phát huy kết quả dạy và học trong năm học 2019-2020
Thứ năm - 05/09/2019 09:29
Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ năm học, chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Ngành đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Lễ khai giảng năm học 2019-2020 tại trường Tiểu học Ngọc Xuân
Kết quả tốt trên nhiều phương diện
Tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, dồn ghép, sáp nhập trường, điểm trường nhằm giảm số điểm trường lẻ, trường có quy mô nhỏ; đưa học sinh ở điểm trường lẻ về học tại trường chính, mở rộng quỹ đất xây dựng trường, trong năm học 2018-2019, toàn tỉnh giảm 04 trường và 87 điểm trường, lớp lẻ. Hiện nay, toàn tỉnh có 653 trường mầm non và phổ thông (192 trường mầm non; 241 trường tiểu học; 190 trường THCS; 30 trường THPT); có 01 trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; 01 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp hướng hghiệp; 01 Trung tâm Giáo dục Hòa nhập trẻ khuyết tật; 01 trường Cao đẳng Sư phạm; 13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; đang thực hiện sáp nhập: Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, Trung tâm Kỹ thuật, tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh thành Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh; Trường Cao đẳng Sư phạm với Trường Trung cấp Y thành Trường Cao đẳng Cao Bằng.
Toàn tỉnh hiện có 11.752 cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên, người lao động, trong đó có: 100% giáo viên mầm non và phổ thông có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giáo dục. 100% giáo viên được bồi dưỡng kiến thức về thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong năm học vừa qua, Ngành GD&ĐT đã triển khai tập huấn cốt cán cấp tỉnh được 16 nội dung, tổng số 59 lớp, với 2.715 học viên, tập huấn tại các địa phương 06 nội dung với 1.340 người tham gia. Hiện nay, Sở đang tiếp tục giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên cốt cán mầm non, tiểu học và THCS, đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho công chức, viên chức trong ngành đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi để đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục theo tinh thần đổi mới, năm học 2018 - 2019 tỉnh đã đầu tư xây dựng 120 phòng học mầm non, 93 phòng học tiểu học; đang tiếp tục triển khai xây dựng 58 phòng học mầm non, 88 phòng học tiểu học với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Nhiều trường đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, có phòng chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, phòng học tin học..., đến nay, có 396 phòng học bộ môn và 1.267 phòng phục vụ học tập. Đa số phòng học hiện có bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tổ chức dạy học 02 buổi/ngày ở nơi có điều kiện thuận lợi. Toàn tỉnh, hiện có 41,59% phòng học mầm non, 44,9% số phòng học tiểu học, 92,2% phòng học THCS, 98,04% phòng học THPT được kiên cố; 53,57% phòng học mầm non, 47,5% phòng học tiểu học, 6,9% phòng học THCS, 1,96% phòng học THPT bán kiên cố; còn 4,8% phòng mầm non, 7,5% phòng học tiểu học, 0,8% phòng học THCS là phòng học tạm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 129 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có: 36 trường mầm non, 54 trường tiểu học, 34 trường THCS, 05 trường THPT. Riêng năm 2018 có 20 trường đạt chuẩn (Nghị quyết HĐND tỉnh giao 07 trường).
Công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ được thực hiện có hiệu quả. Trong đó: Duy trì, giữ vững kết quả PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi với 198/199 xã, 13/13 huyện, thành phố; Duy trì, nâng cao chất lượng kết quả đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2 (trong đó: 03/199 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 1, 15/199 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2; 181/199 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3; 196/199 xã đạt mức độ 2, 3, đạt tỷ lệ 98,4%; 3/13 đơn vị huyện đạt chuẩn mức độ 2, đạt tỷ lệ 23%; 10/13 đơn vị huyện đạt chuẩn mức độ 3, đạt tỷ lệ 77%); Duy trì và giữ vững kết quả PCGD THCS tại 13/13 huyện, thành phố, 199/199 xã đạt chuẩn từ mức độ 1 trở lên đạt 100%. Tỉnh Cao Bằng được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở mức độ 1, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 thời điểm tháng 12/2017. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có: 08 đơn vị cấp huyện và 46 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 1; 05 đơn vị cấp huyện và 153 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.
Chất lượng giáo dục năm học 2018 – 2019 được đảm bảo. Cụ thể:
Giáo dục mầm non: Trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Nhà trẻ còn 3,0%, Mẫu giáo còn 3,7%, Mẫu giáo 5 tuổi còn 2,5%; Số trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi: Nhà trẻ còn 4,8%; Mẫu giáo còn 4,8%, Mẫu giáo 5 tuổi còn 3,2%; Số trẻ có cân nặng cao hơn độ tuổi (béo phì): Nhà trẻ còn 0,09%; Mẫu giáo còn 0,12%, Mẫu giáo 5 tuổi còn 0,2%.
Giáo dục Tiểu học: Xếp loại môn Toán, Tiếng Việt: Hoàn thành Tốt đạt 33,1%, Hoàn thành đạt 65,24%, còn 1,59% chưa hoàn thành; xếp loại theo năng lực, phẩm chất: Tốt đạt 54,77%, Đạt chiếm 44,31%, Chưa đạt còn 0,92%.
Giáo dục THCS: Hạnh kiểm Tốt đạt 80,45%, Khá đạt 16,78%, Trung bình còn 2,73%, Yếu còn 0,04%; Học lực: Giỏi đạt 10,82%, Khá đạt 39,20%, Trung bình còn 47,0%, Yếu còn 2,92%, Kém còn 0,05%.
Giáo dục THPT: Hạnh kiểm Tốt đạt 80,13%, Khá đạt 5,75%, Trung bình còn 3,75%, Yếu còn 0,37%; Học lực: Giỏi đạt 6,53%, Khá đạt 46,76%, Trung bình còn 42,76%, Yếu còn 3,9%; Kém còn 0,05%.
Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2019 có 11 học sinh đạt giải, trong đó có 01 giải Nhì, 06 giải Ba, 04 giải Khuyến Khích.
Phương hướng, nhiệm vụ chính của năm học 2019-2020
Một, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, đổi mới mạnh mẽ các yếu tố của giáo dục để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Hai, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với công tác GD&ĐT.
Ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 09 nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD&ĐT; Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo theo kế hoạch 5 năm và từng năm; Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, đặc biệt là lớp 1; Quan tâm, chăm lo giáo dục mũi nhọn.
Thực hiện tốt 05 nhóm giải pháp cơ bản
Thứ nhất: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD&ĐT: Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD&ĐT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tăng cường thực hiện triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (VNPT i-office) kết nối với tất cả các cơ sở giáo dục trực thuộc; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động giáo dục; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể theo hướng gắn với hiệu quả công việc; kịp thời động viên, tạo động lực tích cực cho nhà giáo, có sức lan tỏa trong toàn ngành.
Thứ hai: Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp: Tiếp tục thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục ở các cấp học, trường học để tạo nguồn cán bộ quản lý có chất lượng; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ ba: Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục: Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp tục triển khai Đề án kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2017 - 2020; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển GD&ĐT.
Thứ tư: Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Tiếp tục thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá năng lực người học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho giáo viên và người học; đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ năm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT: Đẩy mạnh tuyên truyền về đổi mới GD&ĐT; kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; đổi mới công tác thông tin và truyền thông để thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia, đánh giá và phản biện của xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển GD&ĐT.
Hữu Nghĩa