Chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Thứ ba - 07/04/2020 09:30
Dịch Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra đã và đang trở thành mối nguy hiểm hàng đầu của toàn nhân loại. Kể từ khi được phát hiện lần đầu vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay dịch Covid-19 đã nhanh chóng lây lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với tốc độ kinh khủng, nhiều nơi không thể kiểm soát. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Vì vậy, phòng và chống dịch Covid-19 là việc làm cấp bách hiện nay không chỉ đối với người dân Việt Nam mà đối với toàn nhân loại.
Chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Ở Việt Nam, ngay từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, với sự chỉ đạo tích cực của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc triển khai phòng, chống dịch. Tuy nhiên, với những diễn biến nhanh chóng và phức tạp gần đây của dịch Covid-19, cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, đồng thời phải có sự đồng thuận của người dân trong việc chấp hành các chủ trương, biện pháp chống dịch của Chính phủ. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dịch bệnh Covid-19 là công việc cấp bách để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Ngày 30/01/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn số 79-CV/TW, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc. Xác định phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Mặc dù đánh giá Việt Nam có năng lực chống dịch bệnh tốt hơn nhiều nước đang phát triển, tuy nhiên, WHO cũng thống nhất nhận định của Bộ Y tế là Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn đáng chú ý là:
Thứ nhất, việc ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài rất khó khăn do xung đột với yêu cầu giao thương, giao lưu, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược.
Thứ hai, trong thời đại thông tin trên Internet nhất là mạng xã hội phát triển mạnh, người dân dễ bị tác động bởi thông tin xấu độc gây hoang mang, thậm chí kích động phân biệt, chia rẽ.
Thứ ba, nếu dịch lây lan rộng trên thế giới, sẽ dẫn tới khan hiếm máy móc, trang thiết bị vật tư y tế trong khi Việt Nam chưa sản xuất được nhiều thiết bị.
Thứ tư, năng lực đội ngũ y bác sĩ (cả về số lượng và chất lượng), cơ sở vật chất trang thiêt bị còn khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển, khó đáp ứng được yêu cầu điều trị khi có nhiều ca bệnh trong một thời gian ngắn.
Thứ năm, việc chống dịch cần sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa các ngành, các cấp, các lực lượng và năng lực ra quyết định, phản ứng nhanh. Thực tế trong các đợt chống dịch trước đây cho thấy đây luôn là điểm còn nhiều bất cập.
Trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình dịch, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020, tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bố trí nguồn lực cho các hoạt động y tế, bảo đảm môi trường, hỗ trợ kiểm soát phòng chống dịch.
Ngày 21/3/2020, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 172-TB/TW về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế. Động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch, ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ... Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao của ASEAN. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, thường xuyên để các nước hiểu được chủ trương, chính sách của ta trong quá trình phòng, chống dịch bệnh...
Đặc biệt, ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Toàn hệ thống chính trị tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối họp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công tác chống dịch...
Nhờ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thế, đến nay, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Giai đoạn đầu được đánh giá là thành công (16 ca nhiễm có nguồn gốc từ Trung Quốc và 01 ca từ Hàn Quốc đều đã được chữa khỏi) trong khi nhiều dự báo cho rằng Việt Nam sẽ có hàng ngàn ca.
Từ khi dịch bùng phát ở châu Âu, Hoa Kỳ tới nay đã có hàng trăm chuyến bay, hàng chục nghìn người nhập cảnh từ các quốc gia, khu vực có dịch. Những người nhập cảnh này đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người Việt Nam nên mỗi khi phát hiện được một ca nhiễm bệnh, việc truy vết để tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm hết sức khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, đến thời điểm 16h ngày 07/4/2020, Việt Nam đã có 245 ca nhiễm, trong đó 122 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường họp nào tử vong.
Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Từ thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, bước đầu có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cần được tiếp tục phát huy, đó là:
Một là, có sự lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời sát sao của Đảng, Nhà nước từ cấp cao nhất. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế, lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Hai là, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của nhân dân. Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng.
Ba là, tranh thủ được sự chia sẻ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế, ASEAN, các quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh.
Bốn là, Kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện) và nguyên tắc 4 tại chỗ, điều trị phân tán.../.
Tác giả bài viết: BBT