Các nhà khoa học lâu nay vẫn cho rằng giấc ngủ của mình bị “hư hại” là do nhận chịu ảnh hưởng tác động từ các loại màn hình điện tử, máy tính bảng, smartphone… Tuy nhiên không hẳn vậy vì ngay cả ánh sáng đèn điện cũng đã làm cho chúng ta mất ngủ, và một nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho thấy nhân loại đã mất đi một giờ trong giấc ngủ hằng đêm kể từ khi Thomas Edison phát minh ra chiếc bóng đèn điện!
Phải nhìn nhận rằng những đêm đông lạnh sẽ ấm áp hơn rất nhiều trong ánh sáng đèn. Và buổi tối vào phòng ngủ cũng như sáng thức dậy, có ai mà chẳng quơ tay lên đầu giường để bật công tắc? Chưa kể đến tình trạng nhà ống trong thành phố hiện nay thường không có đủ ánh sáng tự nhiên nên phải thường xuyên sử dụng đèn. Vậy đó, ánh sáng nhân tạo đã đi theo ta hầu như là mọi lúc.Do vậy, đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học đã tổ chức được cuộc nghiên cứu trong điều kiện thực tế, xem việc tiếp cận với ánh sáng nhân tạo ảnh hưởng đến độ dài của giấc ngủ như thế nào. Một nhóm nghiên cứu liên ngành của các nhà sinh học, nhà thần kinh học và nhân chủng học từ nhiều trường đại học ở Argentina và Mỹ đã nghiên cứu giấc ngủ và các hoạt động hằng ngày của hai cộng đồng bản địa sống ở vùng Chaco, một vùng núi phía bắc Argentina.
Hai cộng đồng này đều thuộc về bộ tộc Toba (tên bản địa gọi là Qom), vẫn còn giữ được nếp sống săn bắn hái lượm. Cách xa nhau 50 km, hai ngôi làng của hai cộng đồng này có cách sống tương tự, ngoại trừ một điều chủ yếu: từ những năm 1990, một trong hai ngôi làng được mắc điện lưới trong khi ngôi làng kia vẫn sống cùng ánh sáng mặt trời tự nhiên.
Thí nghiệm được thực hiện trong hai tuần, một vào mùa hè và một vào mùa đông. Dân cư trong làng được cho đeo những chiếc vòng cảm ứng ghi nhận các hoạt động cũng như thời gian tiếp xúc với ánh sáng trong ngày cùng với sổ tay ghi chép các giờ giấc thức ngủ, kể cả giấc nghỉ trưa.
Kết quả: giấc ngủ của người dân tại ngôi làng có điện ngắn hơn so với người dân tại ngôi làng sống trong ánh sáng tự nhiên đến gần 1 tiếng đồng hồ. Chính xác là 43 phút (vào mùa hè) và 56 phút (vào mùa đông). Tức là giấc ngủ của họ đã bị “hao hụt” mất gần một tiếng đồng hồ mỗi ngày! Và các thiết bị định lượng theo dõi đã khẳng định nguyên nhân là do vì sự tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào buổi tối trước giờ ngủ. Rõ ràng là ánh sáng nhân tạo đã làm thay đổi giấc ngủ của loài người.
Cũng cần nói thêm, trong cả hai ngôi làng, ghi nhận cho thấy vào mùa hè họ ngủ đến 9 giờ hằng đêm, và mùa đông thì nhiều hơn, đến 10 giờ. Điều này cho thấy, giấc ngủ, nhất là vào mùa đông, rất quan trọng.
Do ánh sáng vẫn có thể xuyên qua rèm mi vào mắt tác động đến não, nên vì một giấc ngủ ngon, vì sức khỏe, hãy để cho cơ thể được hoàn toàn thoải mái nghỉ ngơi trong bóng đêm của tự nhiên.