UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 8
Thứ tư - 08/09/2021 17:48
Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8/2021, xem xét, đánh giá tình hình phát triển kinh tế- xã hội tỉnh tháng 8 và thông qua các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác của UBND tỉnh tháng 9 và các văn bản quản lý hành chính của tỉnh. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp.
Đ/c Hoàng Xuân Ánh -Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp
Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; Lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, Sở kế hoạch và Đầu tư.
Tại phiên họp, các đại biểu đã được nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2021. Theo đó, mặc dù thực hiện mục tiêu kép trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là cơ bản, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Song với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sát sao của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, Cao Bằng đã thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép với những kết quả quan trọng:
Cao Bằng tiếp tục bảo vệ và duy trì thành quả là tỉnh duy nhất trong cả nước chưa phát hiện trường hợp mắc COVID-19. Đến ngày 21/8 đã tiếp nhận 24.316 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về qua biên giới tỉnh Cao Bằng, trên 2.000 công dân Cao Bằng đi lao động, làm thuê, học tập... từ các địa phương khác về tỉnh và thực hiện cách ly y tế, đến nay, tất cả các trường hợp đang thực hiện cách ly đều có sức khỏe ổn định; đã tiêm được 99.606 mũi vắc xin (tổng số vắc xin được phân bổ là 98.280 liều), tỷ lệ tiêm chủng/số vắc xin phân bổ thực tế là 101,35%, tất cả các trường hợp được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đều có tình trạng sức khoẻ sau tiêm ổn định. Cao Bằng đã huy động sức người, sức của tổ chức 02 Đoàn nhân lực Y tế tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam gồm 66 người và 30 tấn thực phẩm.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, trong đó nổi bật là: Chăn nuôi được quan tâm phát triển ổn định, trong đó tổng đàn gia cầm tiếp tục tăng mạnh (tăng gần 50 nghìn con so với cùng kỳ tháng trước); Công tác phát triển rừng được chỉ đạo triển khai quyết liệt và có sự chuyển biến rõ nét, kết quả trồng rừng đã tăng 35,6% so với tháng trước; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) tăng 28,67% so với tháng 7; Thực hiện 8 tháng đạt 3.437,837 tỷ đồng, tăng 15,37%, so với cùng kỳ năm 2020; Hoạt động thương mại nội địa duy trì ổn định, đảm bảo nguồn cung các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 4,47% so với tháng trước, lũy kế 8 tháng tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý tháng 8 đạt 63 triệu USD, tăng 1,94% so với tháng trước và lũy kế đến ngày 15/8/2021, đạt 437,473 triệu USD, đạt 93% kế hoạch, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước; Thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 15/8/2021 đạt 960.159 triệu đồng; đạt 66% so với dự toán TW giao; tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được quan tâm thực hiện. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 -2022 đợt 2; sát hạch kỳ tiếp nhận vào làm công chức và phỏng vấn xét tuyển công chức (sinh viên cử tuyển) năm 2021. Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội - giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế- xã hội còn có những hạn chế: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp và chưa có chuyển biến so với các tháng trước; diện tích gieo trồng lúa vụ mùa chưa đảm bảo kế hoạch do thiếu nước; Tổng số đàn trâu, bò, lợn giảm so với tháng trước do tiếp tục phát sinh các ổ dịch mới; Công tác di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà còn chậm; Một số hoạt động dịch vụ quan trọng như: du lịch, xuất nhập khẩu, vận tải giảm sút; tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường có đấu hiệu gia tăng.
Các đại biểu dự Phiên họp đã nghe các đơn vị soạn thảo trình bày 05 dự thảo Văn bản gồm: Quyết định bãi bỏ Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Quy định chế độ thông tin, báo cáo thống kê tổng hợp về xây dựng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định quy định phân công thẩm định giá tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định Ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định bãi bỏ Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc quy định về nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định Ban hành bãi bỏ Quyết định số 1202/2008/QĐ-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định về chế độ tiền công, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ bồi thường tai nạn lao động, chế độ tiền thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh Cao Bằng.
Tại Phiên họp đã có 14 ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận, có ý kiến đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh và các báo, dự thảo văn bản trình tại Phiên họp.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến các đại biểu tại Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định những kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu kép trong thời gian qua đã thể hiện những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình hình phát triển kinh tế -xã hội còn một số tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục ngay. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố cần đổi mới, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, trong đó:
Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã và đang được áp dụng, đồng thời phát huy cao hơn vai trò của tuyến cơ sở (các xóm, tổ dân phố...) trong việc nắm thông tin, giám sát các cá nhân vào tỉnh, tuyên truyền, vận động từng người dân tích cực, chủ động phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần chống dịch như chống giặc; tổ chức thực hiện test nhanh COVID-19 đối với các công dân vào tỉnh; thành lập các tổ liên ngành đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp trong tỉnh; các tổ công tác lưu động đi test nhanh COVID-19 đối với các trường hợp có biểu hiện hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19;...
Quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm, trong đó đặc biệt tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, thương mại; quan tâm tham mưu các phương án thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch, nhất là việc tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022 theo quy mô lớp học và thực hiện nghiêm các biện pháp 5K; thực hiện hỗ trợ tốt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19; Tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình tại phiên họp để ban hành.../.
Tác giả bài viết: HN