Phát triển, nhân rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị
Thứ ba - 07/09/2021 11:04
Trong những năm gần đây, mô hình hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị đang được quan tâm phát triển trong cả nước nói chung và ở tỉnh Cao Bằng nói riêng, nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên trong việc ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, khắc phục được những hạn chế của sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ của người dân, giúp nâng cao thu nhập của các thành viên và của HTX.
HTX Lộc Rừng ứng dụng KHCN vào nhân giống, trồng các loại lan có giá trị kinh tế cao như: lan đột biến, hoàng thảo phi điệp, …
Tính đến 31/7/2021, toàn tỉnh Cao Bằng có 377/370 HTX vượt 1,9% so với mục tiêu kế hoạch năm 2021. HTX hoạt động trong các lĩnh vực như: Nông lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp; Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng; Thương mại, dịch vụ; Giao thông vận tải; Dịch vụ vệ sinh môi trường, trong đó có 113 HTX nông nghiệp (đây là các HTX trọng tâm thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị).
Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 1.500 triệu đồng/năm, lãi bình quân 90 triệu đồng/năm/HTX. Trong những năm gần đây số lượng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; phát huy được vai trò trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích cho thành viên HTX, qua đó đã góp phần tạo được niềm tin của người dân khi tham gia HTX.
Với vai trò kinh tế tập thể, HTX là một chủ thể quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và kết nối liên kết sản xuất cho các hộ gia đình để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX và nông dân, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân và tham gia tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, các HTX hoạt động trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh, các hộ gia đình chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát mạnh ai nấy làm, do vậy chưa tạo được vùng sản xuất tập trung dẫn tới khối lượng sản phẩm hàng hóa chưa đủ lớn và không ổn định, khó cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, việc phát triển các HTX có quy mô và năng lực trong việc ứng dụng công nghệ, phát triển mở rộng thị trường và hoạt động theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Từ thực tiễn đó, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành và tổ chức kế hoạch hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và hỗ trợ các HTX nông nghiệp tham gia thực hiện các kế hoạch phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã thành lập mới được 15 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên thành 113 HTX nông nghiệp, trong đó: có 07 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 13 HTX tham gia thực hiện 18 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Các HTX này giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh, nhờ vậy việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hộ gia đình khá thuận lợi, khuyến khích được thành viên HTX và người lao động phấn khởi tham gia liên kết sản xuất kinh doanh.
Loại hình công nghệ cao mà các HTX đang áp dụng vào sản xuất kinh doanh là: công nghệ tưới tiết kiệm; hệ thống tưới châm phân tự động; công nghệ nhà lưới, nhà màng, bảo quản nông sản lạnh nhanh; công nghệ sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi giảm thiểu tác hại đến môi trường; công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong chế biến và bảo quản sau thu hoạch...
Việc quản lý HTX đã được ứng dụng công nghệ số, triển khai công tác quản lý HTX trên hệ thống quản lý dữ liệu HTX nông nghiệp của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, việc phát triển, nhân rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn và, tồn tại một số hạn chế như: Việc tập trung phát triển, nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị đòi hỏi trình độ quản lý, năng lực quản lý tốt, nguồn vốn đầu tư lớn, tuy nhiên quy mô sản xuất của các HTX nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ, yếu về cơ sở vật chất, khả năng tài chính hạn hẹp; việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ngân hàng theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn rất khó khăn do không có tài sản thế chấp; trình độ, năng lực quản lý, quản trị, chuyên môn kỹ thuật của các HTX nông nghiệp còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất áp dụng công nghệ cao; thiếu đội ngũ tư vấn và thông tin về công nghệ, nên phần lớn các HTX lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất. Kinh phí để triển khai công tác hỗ trợ HTX thực hiện ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, tham gia chuỗi gia liên kết sản xuất của tỉnh còn khó khăn, do đó hiệu quả đạt được còn hạn chế.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phát triển, nhân rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
(1) Sắp xếp bố trí nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các mô hình điểm về liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua dịch vụ tập trung của HTX.
(2) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển, thành lập mới các HTX nông nghiệp theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các sản phẩm thế mạnh, đặc sản của từng địa phương gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo thành chuỗi giá trị bền vững, khép kín từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
(3) Phát triển, thành lập mới các HTX chăn nuôi công nghệ cao gắn với các Dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh như: HTX chăn nuôi bò sữa, bò thịt, bò sinh sản tại các huyện: Quảng Hòa, Thạch An, Hạ Lang gắn với dự án chăn nuôi Bò sữa của Tập đoàn TH; HTX đầu tư vào chăn nuôi lợn giống, lợn thịt siêu nạc bản địa gắn với dự án trọng điểm chăn nuôi lợn tại 03 huyện: Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng. Tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao mới, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện có.
(4) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các HTX ứng dụng công nghệ cao.
Tác giả bài viết: Hữu Nghĩa