Hội thảo Tư vấn, phản biện “Góp ý Kế Hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”
Thứ năm - 19/11/2020 17:55
Ngày 20/11/2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng chủ trì tổ chức Hội thảo Tư vấn, phản biện “Góp ý Kế Hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”. Hội thảo nhằm tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, các chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu ở các lĩnh vực của tỉnh Cao Bằng trong hoạt động tư vấn, phản biện.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Truân – Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng; Hoàng Thị Bình – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh – Chủ tịch Hội đồng phản biện; Vũ Thị Hồng Thúy – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng; cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Hội đồng Tư vấn, phản biện tỉnh tham dự.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng báo cáo kết quả đã đạt được trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân trên 7%/năm, nhưng thực tế tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) mới đạt 6,35 %/ năm (riêng năm 2020 chỉ đạt 4,23%), GRDP bình quân đầu người chưa đạt kế hoạch 1298USD/1650USD; kết quả chăn nuôi phát triển khá, giá trị sản lượng tăng 6% /năm là đánh giá chưa sát với thực tế; tỷ lệ độ che phủ rừng còn thiếu thông tin phân tích tình hình phát triển rừng về số diện tích rừng trồng mới, số diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh, diện tích rừng được khai thác; doanh nghiệp, HTX và kinh tế tư nhân chung chung, không đánh giá được năng lực hoạt động, mức đóng góp của doanh nghiệp, HTX vào sự phát triển kinh tế - xã hội; phát triển đào tạo nguồn nhân lực chưa phân tích được lực lượng lao động của tỉnh về số lượng và chất lượng; giao thông ước đến năm 2020, có 151/161 xã có đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa còn chung chung, chưa sát thực tế, nhiều huyện đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường đến trung tâm xã chưa được nhựa bê tông hóa; giáo dục và đào tạo đánh giá cụ thể hơn chất lượng giảng dạy của giáo viên và chất lượng toàn diện của học sinh; y tế, dân số: chỉ mới nêu được về tình hình y tế, chưa nêu được tình hình về dân số, nhất là chất lượng dân số; chưa có nội dung phân tích, đánh giá tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch và dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; lao động việc làm mới nêu được số người được đào tạo nghề, số lao động được tạo việc làm mới nhưng chưa nêu được tổng thể số lao động ở các ngành kinh tế nông nghiệp, phi nông nghiệp, khả năng chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp; về khoa học và công nghệ tiếp tục ứng dụng CNTT trong quản lý, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhưng hiệu quả chưa cao.
Với những kết quả đã đạt được và còn tồn tại một số hạn chế trong giai đoạn 2016-2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã phân tích các định hướng, mục tiêu “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025” như: có cơ chế chính sách thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 8%/năm là nhu cầu cấp bách của tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp, phát triển giáo dục – đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học; đến hết năm 2025, có 75% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ gia đình văn hóa 85%; khu dân cư văn hóa 60%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 95%; tỷ lệ khu dân cư có nhà văn hóa 85%; giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt bình quân trên 4%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo 50%, trong đó đào tạo nghề 40%, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống 3%; số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 50 xã, trong đó 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tăng độ che phủ rừng , đánh giá chính xác thực trạng rừng hiện nay đã đạt được, duy trì giữ vững tỷ lệ rừng đã đạt được và chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển các loại rừng và nâng cao chất lượng các loại rừng; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá du lịch, sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Qua Hội thảo đã có 10 ý kiến thảo luận phát biểu của đại diện một số cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn tập trung vào các vấn đề như: dự báo bối cảnh trong nước, quốc tế, những thuận lợi, khó khăn của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025; tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch đề ra và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu; rà soát lại toàn bộ phần đánh giá của những biểu mẫu cho phù hợp trong kế hoạch; bổ sung một số nội dung, số liệu để phản ánh đúng với thực tiễn khách quan; làm rõ tỷ lệ độ che phủ rừng trên cơ sở số liệu về số diện tích trồng rừng mới, rừng được khoanh nuôi tái sinh, rừng được khai thác, tăng cường bảo vệ diện tích rừng, trồng rừng; phân tích tình hình phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; vận động các nguồn lực thực hiện dự án đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) – Đồng Đăng (Lạng Sơn); định hướng nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế;
Phát biểu tại Hội thảo, Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đánh giá cao những ý kiến phản biện của đại diện các sở, ngành và chuyên gia. Mục đích, ý nghĩa của kế hoạch được xây dựng, phản biện trên luận cứ khoa học, thực tiễn khách quan. Trên cơ sở ý kiến phản biện, để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo, đầy đủ tính thực tiễn và có tính khả thi trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung kế hoạch. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để kế hoạch được triển khai đảm bảo các mục tiêu và có tính khả thi nhất, góp phần thực hiện hiệu quả những tiềm năng thế mạnh phát triển KT - XH của địa phương./.
Tác giả bài viết: B.H