Cao Bằng là một trong những tỉnh miền núi có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) còn thấp so với cả nước. Nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Cao Bằng đã áp dụng nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin… qua đó đã đạt được một số kết quả tích cực
Về chỉ số chi phí gia nhập thị trường:
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã thường xuyên tiến hành rà soát; kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản mới thay thế các văn bản cũ gây cản trở tới đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với các văn bản của cơ quan nhà nước. Đồng thời niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, các văn bản pháp lý liên quan tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ; chú trọng việc lập biểu mẫu đảm bảo đúng quy định, đầy đủ, dễ thực hiện.
Việc thu hút đầu tư năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 25 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 700 tỷ đồng; Phát triển doanh nghiệp trên toàn tỉnh có 158 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.234 tỷ đồng. Lũy kế từ trước đến nay có 1.718 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 21.159 tỷ đồng và có 597 đơn vị trực thuộc đang hoạt động.
Cao Bằng duy trì việc triển khai các dịch vụ nộp thuế điện tử nhằm cung cấp các dịch vụ thuế chuyên nghiệp, thuận lợi, an toàn cho người nộp thuế, số doanh nghiệp nộp thuế điện tử tại cơ quan thuế/ tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đạt 99,31%; tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử tại Ngân hàng thương mại/tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đạt 99,22%...
Về chỉ số tiếp cận đất đai:
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2020/QĐ – UBND ngày 16/01/2020 về việc Quy định hệ điều chỉnh giá đất năm 2020 để tính giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tổ chức rà soát các trường hợp hết hạn thuê đất để thông báo cho chủ sử dụng đất; thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng hoặc không sử dụng trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc thẩm định sự cần thiết, phạm vi trích đo; đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng 7 công trình; hoàn thành việc kiểm tra chất lượng sản phẩm bản đồ đối với dự án Lập kế hoạch sử dụng đất năm 2020, 10/10 huyện, thành phố; thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai 03 thị trấn Quảng Uyên, Trùng Khánh, Trà Lĩnh. Thu Ngân sách từ lĩnh vực khoáng sản trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt trên 90 tỷ đồng; tổ chức 02 cuộc đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 10 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đấu giá thành công 09 mỏ, dự kiến thu được 47,719 tỷ đồng, tăng 10,922 tỷ đồng với mức trúng đấu giá dự kiến thu được.
Trong năm đã tiếp nhận và giải quyết 58 hồ sơ của doanh nghiệp, Hợp tác xã về lĩnh vực đất đai, 100% hồ sơ được giải quyết theo đúng thủ tục hành chính đã ban hành.
Về chỉ số tính minh bạch:
Các sở, ban ngành duy trì thực hiện phần mềm quản lý văn bản (VNPT – Ioffice) và phần mềm một cửa điện tử (VNPT – Igate) để minh bạch hóa quy trình xử lý văn bản, giải quyết TTHC. Năm 2020, Hệ thống (VNPT – Igate) đã tiếp nhận 94.659 hồ sơ tỷ lệ đúng hạn 94,44%; Hệ thống kết nối người dân, doanh nghiệp với chính quyền của tỉnh đã tiếp nhận 698 phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong đó: 608 phản ánh, kiến nghị đã xử lý, 90 phản ánh, kiến nghị đang xử lý. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1904/QĐ – UBND ngày 07/10/2020 phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến với 538 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh và 231 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tích hợp trên Công Dịch vụ công quốc gia.
Về chỉ số thời gian:
Trong năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc các sở, ban ngành. Trong đó: Công bố mới 218 TTHC; bãi bỏ 135 TTHC; sửa đổi, thay thế 175 TTHC. Số TTHC hiện có 1.686 TTHC; Công khai kịp thời trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC các TTHC mới được ban hành; xóa bỏ các TTHC đã bị bãi bỏ; Tiếp tục đẩy mạnh cải các hành chính trong đó trọng tâm là cải cách TTHC với phương châm hành động “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, nâng cao năng lực quản lý, phục vụ công dân và doanh nghiệp”; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm số lần đi lại, tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư. Từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, tiếp cận tín dụng, an ninh trật tự và các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo…
Về chỉ số chi phí không chính thức:
Các cấp, các ngành đã thông báo công khai địa chỉ đường dây nóng về tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; Việc xử lý chồng chéo trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; Công khai minh bạch các kế hoạch thanh tra, kết luận thanh tra được thực hiện theo đúng quy định; Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc công khai minh bạch và kiểm soát chặt chẽ các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định.
Về chỉ số cạnh tranh bình đẳng:
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật quy định; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường để đảm bảo sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật; Chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố công bố kịp thời các thông tin về quy hoạch đã được phê duyệt, kế hoạc sử dụng đất, danh mục kêu gọi đầu tư trên Cổng/ Trang thông tin điện tử; Năm 2020 thực hiện nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính chất đặc thù.
Về chỉ số tính năng động của lãnh đạo tỉnh:
Chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, thực hiện các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính; rà soát, tăng cường ứng dụng giải quyết TTHC mức 3, 4; tuyên truyền, quán triệt, phổ biến việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2020, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật doanh nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1904/QĐ – UBND ngày 07/10/2020 V/v phê duyêt Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh Cao Bằng và Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Về chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp:
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025, trong năm đã thụ lý được 422 vụ việc trợ giúp pháp lý, tăng 23% so với cùng kỳ, trong đó hoàn thành 284 vụ việc cho 284 đối tượng trợ giúp pháp lý. Số vụ việc tham gia tố tụng đã hoàn thành tăng 29% so với cùng kỳ, trong đó vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 244 vụ việc, tăng 50 vụ so với năm 2019; Luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý thực hiện 13 vụ việc, giảm 11 vụ việc so với năm 2019. Đến nay, 100% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tốt tụng do Bộ Tư pháp giao. Tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới; tăng cường triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt chú trọng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện được 07 hồ sơ để hoàn thuế GTGT, số tiền đề nghị hoàn 58.305 triệu đồng; giải quyết hoàn thuế 06 hồ sơ với số tiền 58.224 triệu đồng và không được hoàn 38 triệu đồng; Thực hiện gia hạn nộp thuế cho 296 trường hợp, số thuế GTGT, TNDN, tiền thuê đất đủ điều kiện được gia hạn 58,707 tỷ đồng.
Về chỉ số đào tạo lao động:
Đã hướng dẫn các đơn vị doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ chính sách, tiền lương đối với người lao động, ký kết hợp đồng lao động chế độ chính sách đối với người lao động dôi dư do tái cơ cấu lại tổ chức sản xuất, kinh doanh; áp dụng mức lương tối thiểu và tự xây dựng bảng lương năm 2020; trợ cấp thôi việc đối với người lao động trong doanh nghiệp…; Đã tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động được 01 cuộc và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ trong tình hình mới cho 70 người sử dụng lao động; 01 Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cho 78 lao động trên địa bàn tỉnh; 03 Hội nghị tuyên truyền phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 500 người sử dụng lao động; 41 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách việc làm, thông tin thị trường lao động tại các xã, cụm xã các huyện với 2.640 người tham dự; 03 phiên giao dịch việc làm lưu động với 427 người tham dự…Duy trì 02 trang Website để kết nối thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Về chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự:
Chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) chú trọng đến tính khả thi của các văn bản QPPL, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thu hút đầu tư. Trong năm, Sở Tư pháp đã tiến hành góp ý đối với 205 dự thảo văn bản, trong đó có 34 dự thảo văn bản của Trung ương, 171 dự thảo văn bản của địa phương; Tiếp nhận và tiến hành thẩm định đối với 63 hồ sơ. Công tác thẩm định văn bản được thực hiện đảm bảo về nội dung, chất lượng, thời gian theo đúng quy định; Các văn bản của tỉnh ban hành được cập nhật thường xuyên đầy đủ chính xác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, trong năm đã cập nhật 36 VBQPPL trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để phục vụ việc tra cứu văn bản được nhanh chóng, tìm hiểu về các văn bản QPPL của tỉnh, đặc biệt liên quan đến thu hút đầu tư, tổ chức, hoạt động và quyền lợi của doanh nghiệp. Công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn được Công an tỉnh chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo; Đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, các mục tiêu quan trọng không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ…
Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của UBND tỉnh và sự nỗ lực của các sở, ban, ngành trong tỉnh, nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã quyết tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, tham mưu, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật giúp cho tỉnh đạt được những kết quả nhất định. Để tiếp tục, phát huy những kết quả thực hiện Đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã đạt được trong năm 2020, tỉnh Cao Bằng đã đề ra một số phương hướng nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cao Bằng và các chương trình, kế hoạch, Chỉ thị của cấp trên để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục rà soát, thực hiện đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, gắn với việc thực hiện có hiệu quả việc giải quyết TTHC theo cơ chế 1 cửa, một cửa liên thông; Tăng cường kiểm soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ công bố mới danh mục TTHC theo quy định; Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Tiếp tục triển khai và duy trì tổ chức gặp gỡ với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã định kỳ hàng tháng; Tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, quan tâm công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư; Triển khai các giải pháp bảo đảm năng lực hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành, kết nối thông suốt giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Duy trì và cập nhật có hiệu quả Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh theo quy định; Tiếp tục thực hiện Bộ chỉ số năng lực cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố (DDCI) nhằm tạo kênh thông tin để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng chính quyền các cấp, đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố; Triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra đảm bảo không có sự chồng chéo về nội dung, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp./.
Tác giả bài viết: Đinh Tâm