Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường của Cao Bằng đứng vị trí thứ nhất trong cả nước
Thứ sáu - 27/08/2021 07:55
Theo kết quả Chỉ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 15/4/2021, Chỉ số PCI của tỉnh Cao Bằng đã có một số điểm sáng tích cực, trong đó Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường của Cao Bằng đứng vị trí thứ nhất trong cả nước.
Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường của Cao Bằng đứng vị trí thứ nhất trong cả nước
Xác định việc thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá về năng lực, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương, vì vậy, ngay khi có kết quả PCI tỉnh Cao Bằng năm 2019 được VCCI công bố, Ban chỉ đạo đã xây dựng và ban hành Báo cáo về PCI năm 2019 của tỉnh, trong đó thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp cải thiện PCI năm 2020, tập trung vào những chỉ số thấp điểm. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cao Bằng năm 2020. Đây là tiền đề quan trọng để lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ; cụ thể hóa các quan điểm, phương châm hành động: "đồng hành cùng doanh nghiệp", "lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm", "coi doanh nghiệp và sự thành công của doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển tỉnh Cao Bằng”; xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tinh giảm, hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong các nhiệm vụ cụ thể.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao PCI năm 2020, UBND tỉnh Cao Bằng đã tập trung quán triệt, chỉ đạo triển khai các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc ban hành và chỉ đạo, điều hành việc tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch, quyết định phê duyệt các nhiệm vụ liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như: Kế hoạch số 4459/KH-UBND ngày 19/12/2019 về Cải cách hành chính nhà nước tỉnh Cao Bằng; Kế hoạch số 4609/KH-UBND ngày 31/12/2019 về kiểm soát TTHC và truyền thông về hoạt động kiểm soát TTHC; Kế hoạch hành động số 117/KH-UBND ngày 17/01/2020 về việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia; Quyết định số 1536/QĐ-UBND ngày 21/8/2020 về việc ban hành quyết định ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nhiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025 và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo...
Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo PCI, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện và nâng cao chỉ số PCI theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Với sự nỗ lực chung của các cơ quan hành chính từ Tỉnh đến cơ sở, Đề án nâng cao PCI năm 2020 đã được tổ chức thực hiện đồng bộ và đạt được một số kết quả khả quan trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Năm 2020, PCI của tỉnh Cao Bằng xếp vị trí thứ 54/63 trong bảng tổng sắp các tỉnh, thành trong cả nước và là năm thứ ba liên tiếp nằm trong nhóm trung bình trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc với 62,20 điểm; xếp vị trí 10/14 tỉnh, thành phố trong khu vực miền núi phía Bắc.
Trong 10 chỉ số thành phần PCI, Cao Bằng có 6/10 chỉ số tăng điểm gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động. Đặc biệt, chỉ số Chi phí gia nhập thị trường của Cao Bằng được xếp vị trí số 1 trong cả nước. Đây là những ghi nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp với nỗ lực, quyết tâm hành động của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cấp các ngành, tạo động lực khích lệ, thúc đẩy chính quyền các cấp tiếp tục cố gắng trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, có 4/10 chỉ số giảm điểm gồm: Tính minh bạch; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và an toàn thông tin. Điểm của các chỉ số này đã phản ánh sự chưa hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đây là những chỉ số cần tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn trong năm 2021.
Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Tuy nhiên, kết quả PCI của tỉnh năm 2020 còn khiêm tốn, mặc dù có 06 chỉ số tăng điểm nhưng còn 04 chỉ số giảm điểm và so với mục tiêu đề ra: có 02 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 08 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch.
Nguyên nhân là do lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong thực hiện Đề án PCI của tỉnh; chưa tích cực và chủ động trực tiếp giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền; việc đánh giá và làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc cải thiện và nâng cao từng chỉ số thành phần PCI còn chưa triệt để, sâu sát; việc cung cấp, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khi giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp chưa chặt chẽ; công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC mức 3, mức 4 ở một số lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp còn chậm. Số lượng các TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 còn ít.
Việc tổ chức thực hiện nâng cao PCI có tác động mạnh mẽ đến việc phân định trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nói chung và việc thực hiện PCI nói riêng; đồng thời thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ về nâng cao các chỉ số: Nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; qua đó công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động, cung cấp thông tin về lao động, thị trường lao động phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm thực hiện có hiệu quả và việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá tốt. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nâng cao PCI năm 2021 để phát huy các kết quả đã đạt được, nâng cao năng lực, khả năng thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch nâng cao PCI năm 2021 của tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện nâng cao các bộ chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành, địa phương (DDCI); Nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính – PAR INDEX để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành của đơn vị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tác giả bài viết: Nguyệt Quế