Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đang diễn ra rất phức tạp, nước ta và các nước trên thế giới đứng trước rất nhiều nguy cơ và thách thức do đại dịch gây ra. Đợt bùng phát lần này, virus với nhiều biến chủng nguy hiểm đã lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn nhiều so với những lần trước đó, gây nên hậu quả nghiêm trọng, làm xáo trộn các hoạt động trong xã hội, phát triển kinh tế chững lại, tiêu tốn nhân vật lực để chống chọi với đại dịch.
Trước tình hình trên, Chính phủ và lãnh đạo các cấp đã đưa ra các biện pháp để thực hiện “mục tiêu kép” là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có biện pháp áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hỗ trợ các lực lượng chức năng khoanh vùng dịch, truy vết một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh bình thường của xã hội; hỗ trợ các nghiệp vụ ngành y một cách linh hoạt, giảm thời gian trong việc khai báo y tế; hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin toàn quốc đảm bảo công khai, minh bạch; lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử để giảm thiểu, hạn chế tối đa việc tiếp xúc…
Hiện nay, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 769/QĐ-BTTTT ngày 04/6/2021 của Quyết định Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) gồm các thành viên là lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ TT&TT, các doanh nghiệp Viễn thông - Công nghệ thông tin. Trung tâm đã phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin triển khai trên toàn quốc dành cho người dân, cơ quan, tổ chức, chính quyền và các đơn vị y tế chung tay phòng, chống dịch Covid-19 như:
Nền tảng Khai báo y tế điện tử: Nền tảng được triển khai nhằm tập hợp các thông tin về dịch bệnh COVID-19 gắn với mỗi người dân. Người dân có điện thoại thông minh: sử dụng ứng dụng VietNam Health Declaration/NCOVI/ Bluezone/SSKĐT hoặc truy cập địa chỉ
https://tokhaiyte.vn để khai báo y tế; Đối với trường hợp Người dân không có điện thoại thông minh: sử dụng chức năng khai hộ trên các ứng dụng trên hoặc tại địa chỉ
https://tokhaiyte.vn. Người dân sau khi khai báo y tế sẽ có một mã QR cá nhân được sinh ra. Nếu không có điện thoại thông minh, người dân nên nhờ in mã QR cá nhân này để mang theo, sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác kiểm soát vào ra tại các chốt kiểm dịch, bệnh viện, cơ quan, công sở, địa điểm công cộng để cơ quan y tế và chính quyền các cấp phân tích, giám sát thông tin, tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn. Ngoài ra các ứng dụng còn cho phép phản ánh nhiều vấn đề về tình hình dịch bệnh Covid-19. Ví dụ: phản ánh về việc nghi ngờ/phát hiện có người nhập cảnh trái phép; phản ánh tình trạng tụ tập đông người/không tuân thủ các quy định phòng dịch, phản ánh về tình trạng sức khoẻ của bản thân… Ngay khi người dân phản ánh, thông tin đó được cập nhật vào hệ thống và gửi cảnh báo đến cho cơ quan chức năng, cơ quan chức năng sẽ phân công nhân sự liên hệ, xác minh lại nội dung phản ánh và đưa ra các xử lý kịp thời.
Nền tảng Quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR Code: Đây là hệ thống quan trọng hàng đầu, được sự quan tâm rất nhiều của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống phục vụ việc truy vết các “mốc dịch tễ” khi xuất hiện ca nhiễm, ca nghi nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Mỗi người dân khi vào, ra các cơ quan, tổ chức, chốt kiểm dịch, bệnh viện, địa điểm công cộng… được ghi lại lịch sử di chuyển bằng cách quét mã QR. Nếu người đó trở thành một ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định người đó là ai? đã vào, ra những địa điểm nào để xác định nguy cơ lây nhiễm và khuyến cáo trong cộng đồng, khuyến cáo cho chủ địa điểm xuất hiện ca nhiễm, ca nghi nhiễm các biện pháp xử lý, kịp thời ngăn chặn sự lây lan dịch, bệnh. Người dân có điện thoại thông minh sử dụng ứng dụng Bluezone để quét mã QR của địa điểm (mã này do chủ địa điểm tạo ra và treo/dán tại những vị trí dễ thấy). Chủ các địa điểm đăng ký điểm kiểm dịch tại
https://qr.tokhaiyte.vn/; có thể bổ sung thêm các số điện thoại khác để phân quyền, tham gia vào việc kiểm soát mã QR Code, in và dán mã QR Code điểm kiểm dịch tại các vị trí thuận lợi, lối ra vào để Khách/người dân/người lao động sử dụng Bluezone quét mã này. Từ đó, cơ quan y tế và chính quyền các cấp có thể dựa vào các điểm kiểm soát này để truy vết, cảnh báo đến cá nhân nếu phát hiện trong khoảng thời gian nhất định có xuất hiện F0 hoặc F1 đã đến địa điểm thực hiện các biện pháp y tế cần thiết, kịp thời. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay tỉnh Cao Bằng hiện có 3.700 điểm kiểm soát dịch QR code và theo khuyến cáo của Bộ, để triển khai hiệu quả cần có ít nhất 01 điểm kiểm soát dịch trên phạm vi 100 người dân. (Tổng đài hỗ trợ người dân và các cơ quan, tổ chức thực hiện quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông là
19009095)Nền tảng hỗ trợ truy vết: Được sử dụng cho chính quyền cơ sở và đơn vị y tế. Đối với các địa bàn mới xuất hiện, hoặc số lượng ca nhiễm, ca nghi nhiễm trong cộng đồng chưa nhiều, việc truy vết nhanh là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, đa số các công đoạn trong quá trình truy vết các ca nhiễm, ca nghi nhiễm ngoài cộng đồng hiện nay đang được thực hiện hoàn toàn thủ công trên cả nước: ghi giấy ở hiện trường, quản lý bằng Excel ở trung tâm điều phối. Nền tảng hỗ trợ truy vết được thiết kế và xây dựng nhằm giải quyết vấn đề nói trên; Nền tảng hỗ trợ cơ quan chức năng, đội điều phối, điều tra F0, truy vết F1 thực hiện liên hoàn các tác nghiệp theo Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính, xác định các “mốc dịch tễ”, nền tảng hỗ trợ truy vết cho phép tự động lập danh sách các địa điểm mà ca nhiễm, ca nghi nhiễm đã đến thông qua nền tảng quản lý thông tin người ra vào bằng mã QR Code, kết hợp truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm, nền tảng hỗ trợ truy vết cho phép thực hiện thông qua ứng dụng Bluezone.
Nguyên lý truy vết của ứng dụng Bluezone.Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19: Nền tảng nhằm triển khai nhanh, có hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin, bảo đảm công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức khi đăng ký và thực hiện tiêm. Người dân và các cơ quan, tổ chức có thể thực hiện đăng ký tiêm chủng và tra cứu kết quả tiêm chủng tại địa chỉ
https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc sử dụng Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT) trên điện thoại thông minh. Người dân có thể thực hiện việc khai báo thông tin cá nhân, đăng ký tiêm một cách nhanh chóng. Ứng dụng SSKĐT sinh ra mã QR cho mỗi cá nhân, mã này cũng hỗ trợ cán bộ y tế quét mã khi thực hiện các nghiệp vụ tiêm, giúp giảm bớt rất nhiều thời gian thu thập thông tin, giảm ùn tắc tại các điểm tiêm vắc-xin, hạn chế khả năng lây nhiễm cho người dân khi đi tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Sau khi tiêm khoảng 30 đến 60 phút, kết quả tiêm chủng của mỗi người đã được cập nhật vào nền tảng và có thể xem các thông tin ngay trên ứng dụng SSKĐT bao gồm chứng nhận tiêm chủng, loại vắc-xin, số lô, địa điểm tiêm…. Tại một số nước trên thế giới quy định khi người dân đã tiêm chủng và được chứng nhận mới có thể sử dụng các dịch vụ, di chuyển đi lại, vào các trung tâm thương mại, siêu thị…

Ngoài ra, còn có các nền tảng ứng dụng khác như nền tảng quản lý cách ly, quản lý xét nghiệm, Hệ thống Bản đồ chống dịch - An toàn Covid-19…. Người dân, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có thể truy cập địa chỉ
https://covid19.tech.gov.vn để tìm hiểu, nghiên cứu, hướng dẫn sử dụng và triển khai các nền tảng.
Việc sử dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng dịch một cách chính xác, hiệu quả. Đây cũng là một trong nhiều giải pháp để Cao Bằng cùng cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, tỉnh Cao Bằng hiện là địa phương duy nhất chưa có ca nhiễm trên cả nước nhưng có nguy cơ rất cao. Vì vậy, sớm áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống Covid-19 là một lợi thế và cần sự chung tay của cả cộng đồng, người dân, chính quyền các cấp triển khai, sử dụng nghiêm túc để không bị động trong trường hợp có ca nhiễm./.