XÂY DỰNG MÔ HÌNH TRỒNG NHO CỰ PHONG VÀ TẢO HỒNG TẠI CAO BẰNG
- Thứ năm - 19/03/2020 15:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ nhiệm đề tài: KS. Triệu Hoàng Thành
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Cao Bằng
Thời gian thực hiện: 2016 - 2019
I. Đặt vấn đề
Nho là cây ưa khí hậu khô và nắng nhiều, độ ẩm không khí thấp, Ở các tỉnh phía Bắc nước ta, cây nho đã được trồng rải rác trong vườn nhà vừa lấy quả ăn vừa làm cây che bóng, phần lớn các giống nho xanh không rõ nguồn gốc. Các giống nho này có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, một số giống nho có năng suất rất cao, song nhìn chung chất lượng quả không cao. Từ năm 2009 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn đã hợp tác với Phân viện nghiên cứu cây ăn quả - Viện Khoa học nông nghiệp Quảng Tây - Trung Quốc triển khai thực hiện đề tài: “Trồng khảo nghiệm giống nho Cự Phong và Tảo Hồng Trung Quốc tại Lạng Sơn”. Hai giống nho được thực hiện là Cự Phong và Tảo Hồng đều là những giống nho được Phân viện cây ăn quả - Viện Khoa học nông nghiệp Quảng Tây - Trung Quốc nghiên cứu thành công, đây là hai giống đã được cải thiện nhiệt đới hóa, sinh trưởng khỏe, dễ thích nghi và chịu ẩm tốt. Tỉnh Cao Bằng có điều kiện tự nhiên khá tương đồng với tỉnh Lạng Sơn vì vậy Cao Bằng đã triển khai thực hiện đề tài Xây dựng mô hình trồng nho Cự phong và Tảo hồng tại Cao Bằng.
II. Mục tiêu
- Xây dựng mô hình trồng khảo nghiệm giống nho Cự Phong và tảo Hồng tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng.
- Đánh giá khả năng thích ứng của giống nho Cự Phong và Tảo Hồng với điều kiện tự nhiên tại Cao Bằng.
III. Kết quả thực hiện
Tham quan, khảo sát mô hình trồng nho tại tỉnh Lạng SơnNhóm thực hiện đề tài đã tiến hành tham quan, khảo sát mô hình trồng nho tại Trung tâm Ứng dụng phát triển Khoa học - Công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm Lạng Sơn, mô hình trồng hai giống nho Cự Phong và Tảo Hồng tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Qua chuyến tham gia khảo sát đã đánh giá, lựa chọn với các tiêu chí về địa điểm thực hiện mô hình, cụ thể địa điểm thực hiện mô hình phải có đường giao thông thuận tiện để đảm bảo thuận tiện cho việc vận chuyển giống, vật tư phân bón, có hệ thống nước tưới tiêu thuận lợi. Đất trồng Nho là đất phù sa hoặc đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, không bị ngập úng.
Trồng khảo nghiệm giống nho Cự Phong và Tảo Hồng tại Vò Đạo - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN
Trên cơ sở thực hiện Hợp đồng đã ký kết giữa Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Cao Bằng và Trung tâm Ứng dụng phát triển Khoa học - Công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm Lạng Sơn, cán bộ kỹ thuật bên chuyển giao đã hướng dẫn trực tiếp cho các thành viên tham gia thực hiện đề tài tại mô hình về kỹ thuật trồng và chăm sóc thu hái và bảo quản nho.
Xây dựng mô hình trồng 200 cây nho cự phong và 200 cây nho tảo hồng, với diện tích 1.000m2. Qua theo dõi cho thấy tỷ lệ cây sống sau khi trồng của cả hai giống nho đều đạt trên 75%. Thời gian từ trồng đến lên giàn kéo dài 97 ngày đối với nho Cự Phong và 91 ngày đối với nho Tảo Hồng. Độ cao lên giàn đối với nho Cự Phong là 74,5 cm và đối với nho Tảo Hồng là 84 cm.
Số hoa trên chùm trung bình của nho Cự Phong đạt 79 hoa trên chùm và nho Tảo Hồng đạt 85,8 hoa trên chùm. Số chùm hoa trên cành trung bình sau ba năm của cả hai giống đạt trên 0,7 chùm trên cành. Tỷ lệ đậu quả ở cả hai giống là 40,5% đối với nho Cự Phong và 56,8% đối với nho Tảo Hồng. Tỷ lệ cành cho quả ở cả hai giống là 50,7% đối với nho Cự Phong và 70,6% đối với nho Tảo Hồng. Cả hai giống nho có thời gian từ lúc hoa nở đến khi quả chín như nhau. Tỷ lệ cây cho quả trung bình đạt 11% đối với nho Cự Phong và 60% đối với nho Tảo Hồng, Số lượng chùm quả trung bình/cây đạt 4 đối với nho Cự Phong và 5 đối với nho Tảo Hồng, trọng lượng chùm quả trung bình trên cây đạt 375g đối với nho Cự Phong và 330g đối với nho Tảo Hồng, năng suất trung bình/cây đạt 1,5kg/cây đối với nho Cự Phong và 1.65kg/cây đối với nho Tảo Hồng. Qua nghiên cứu trồng khảo nghiệm, đề tài đã hoàn thiện quy trình trồng nho cự phong và nho tảo hồng phù hợp với điều kiện tỉnh Cao Bằng.