Trang nhất » Kỷ yếu KH&CN » Tóm tắt ĐT/DA 2016-2020

Ứng dụng công nghệ lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng

Thứ sáu - 10/04/2020 10:49
Chủ nhiệm dự án: Chu Văn Bắc;
cơ quan chủ trì thực hiện: Công ty TNHH đầu tư phát triển và môi trường;
thời gian thực hiện 12/4/2017 đến 12/4/2019.
 
I. Đặt vấn đề:
Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Bắc với trung tâm kinh tế, hành chính là thành phố Cao Bằng, cùng với sự hình thành và phát triển của đô thị, dân cư ngày một gia tăng, theo đó lượng rác thải sinh hoạt được thải ra từ cộng đồng dân cư đô thị cũng như các vùng lân cận thành phố Cao Bằng ngày càng nhiều. Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực thành phố Cao Bằng khoảng 55 tấn/ngày. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã được thực hiện tương đối triệt để; năm 2013 theo chủ trương của UBND tỉnh Cao Bằng, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt Nà Lần – Chu Trinh đã xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, nhưng phương pháp này vẫn là phương pháp truyền thống, cổ điển, lạc hậu và ít được khuyến cáo sử dụng trong thời đại công nghệ phát triển cao như hiện nay bởi phương pháp này chiếm nhiều diện tích đất, gây lãng phí, thời gian phân hủy rác thải chậm và vẫn tiềm ẩn sự ô nhiễm trong quá trình vận hành bãi chôn lấp (ô nhiễm nguồn nước và không khí, môi trường xung quanh) trong tình hình hiện nay cũng như trong tương lai. Xuất phát từ thực tế trên và nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển bền vững, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Môi trường triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng” nhằm xây dựng mô hình xử lý chất thải sinh hoạt áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.
 
II. Mục tiêu nghiên cứu:
Ứng dụng, thử nghiệm mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt bằng khí tự nhiên đối với rác thải phát sinh trong cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng với công suất lò đốt 500kg rác thải sinh hoạt mỗi giờ; Kết quả của dự án là cơ sở để nhân rộng mô hình tại các huyện của tỉnh Cao Bằng, góp phần đẩy nhanh tiến trình và hoàn thành chỉ tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
III. Kết quả nghiên cứu:
Qua quá trình nghiên cứu, vận hành đốt thử nghiệm, lò đốt rác thải sinh hoạt CNC500 với công suất và các hiệu quả của lò đem lại phù hợp với các huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quá trình vận hành đốt thử nghiệm, cho thấy để đạt hiệu quả cao phải phân loại rác, kết quả phân tích mẫu tại các vị trí đều đạt quy chuẩn; sản phẩm đạt được của dự án là lò đốt rác thải sinh hoạt sử dụng khí tự nhiên CNC500 được thiết kế đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải.
Dự án đã tổ chức 02 Hội nghị gồm: Hội nghị nhân rộng mô hình với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nhằm nhân rộng mô hình Lò đốt rác thải sinh hoạt sử dụng khí tự nhiên CNC500 xây dựng đi vào hoạt động sử dụng tại các huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Hội nghị nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tập huấn phân loại rác tại nguồn với sự tham gia của đại diện phường Hợp Giang và các tổ trưởng đại diện tổ dân phố thuộc 32 tổ của phường Hợp Giang.
Dự án đã đem lại hiệu quả về nhiều mặt: Về mặt xã hội, dự án thực hiện khả thi do nhu cầu xã hội về xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng khí tự nhiên ngày càng cao; tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn cũng là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đặc biệt là phân loại rác tại nguồn; hiệu quả về mặt kinh tế, lò đốt rác thải sinh hoạt bằng khí tự nhiên CNC500 đem lại hiệu quả kinh tế, với vốn đầu tư lắp đặt vừa phải, chi phí vận hành thấp, khi phân loại rác vào lò có thể phân loại rác tái chế, sản phẩm sau khi đốt còn lại chiếm 6-7% khối lượng chất thải, không tốn diện tích đất chôn lấp như phương pháp chôn lấp truyền thống; kinh phí lò đốt rác thải sinh hoạt tại các huyện không cao bằng xây dựng các bãi chôn lấp rác như hiện nay. Mỗi huyện chỉ cần đầu tư 1 lò đốt với công suất 500kg/h là phù hợp; lò đốt  hoạt động tạo công ăn việc làm cho người lao động vận hành lò tại địa điểm xử lý rác; Hiệu quả về mặt môi trường: Lò đốt rác thải đảm bảo chất lượng môi trường hơn rất nhiều so với xây dựng các bãi chôn lấp truyền thống như hiện nay tại thành phố Cao Bằng nói chung cũng như tại các huyện trên địa bàn tỉnh nói riêng; Rác thải sinh hoạt trước khi đốt được phân loại sẽ giảm thiểu được lượng rác đáng kể, các loại rác tái chế có thể đem tái chế để tái sử dụng, rác hữu cơ có thể làm phân bón; Lò đốt rác cũng đảm bảo môi trường đất, nước dưới đất không bị ô nhiễm và môi trường không khí được đảm bảo, hướng tới phát triển môi trường bền vững; Xây dựng lò đốt rác sinh hoạt bằng khí tự nhiên CNC500, đã áp dụng khoa học công nghệ vào xử lý rác, giảm thiểu tối đa rác thải thay thế phương pháp xử lý truyền thống.

Tác giả bài viết: Q.G (Theo Báo cáo kết quả Dự án)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

PHIM PHỔ BIẾN KIẾN THỨC KH&CN


HOẠT ĐỘNG THAM MƯU TƯ VẤN

KỶ YẾU KH&CN

THÔNG TIN NHIỆM VỤ KH&CN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 57

Máy chủ tìm kiếm : 7

Khách viếng thăm : 50


Hôm nayHôm nay : 11753

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 93902

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25267548

CÔNG TÁC XUẤT BẢN















Trang thông tin điện tử Sở KH&CN Cao Bằng