Trang nhất » Kỷ yếu KH&CN » Tóm tắt ĐT/DA 2016-2020

Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam quýt theo hướng sản xuất hàng hóa

Thứ năm - 19/03/2020 03:15
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc

Đơn vị chủ trì: Viện Bảo vệ thực vật

Thời gian thực hiện: Năm 2015-2019

I. Đặt vấn đề

Cao Bằng là địa phương có các giống cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, quýt Trà Lĩnh, quýt Trọng Con, quýt Hoa Thám đã được người dân địa phương trồng từ lâu tại các huyện Hoà An, Trà Lĩnh, Thạch An và Nguyên Bình. Với màu sắc quả đẹp, vị ngọt và mùi thơm rất riêng biệt, đến nay các giống này đã được trồng, phát triển trên diện rộng, trở thành cây ăn quả truyền thống đặc sắc đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, sản xuất cam, quýt tại Cao Bằng mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm địa phương, quần thể giống trong vùng đã có hiện tượng thoái hoá, nhiễm sâu bệnh nặng, suy giảm năng suất và chất lượng, mức đầu tư chăm sóc, đặc biệt là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho cây còn hạn chế nên cây cam, quýt Cao Bằng vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, Sở KH&CN Cao Bằng đã giao cho Viện bảo vệ thực vật thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam quýt theo hướng sản xuất hàng hoá” nhằm duy trì và phục tráng các giống tốt của địa phương.

II. Mục tiêu của đề tài

Phát triển vùng sản xuất cam, quýt đặc hữu theo hướng hàng hoá, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm cam, quýt có năng suất, chất lượng tốt, nâng cao thu nhập cho người dân.

III. Kết quả nghiên cứu

Sau 4 năm thực hiện, đề tài đã hoàn thành mục tiêu, nội dung theo Thuyết minh đã đề ra. Cụ thể:

1. Đã nghiên cứu xây dựng 04 chuyên đề về định hướng phát triển cam quýt tại các huyện Hoà An, Trà Lĩnh, Nguyên Bình và Thạch An. Qua khảo sát, đánh giá về điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội, điều kiện sản xuất, cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, chủ trương phát triển, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất hướng mở rộng diện tích trồng cam quýt tại huyện Hoà An là 3.119,19 ha, Trà Lĩnh là 1.657,42ha, Nguyên Bình là 2.512,6ha và Thạch An là 3.742ha.

2. Đánh giá hiện trạng sản xuất quýt Trọng Con huyện Thạch An và quýt Hoa Thám huyện Nguyên Bình. Qua đánh giá, cần thiết phải phục tráng, lưu giữ nguồn giống, tạo nguồn giống sạch bệnh có chất lượng cung ứng cho sản xuất, đồng thời có những biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, nhằm tăng năng suất cũng như phát triển vùng sản xuất theo hướng hàng hoá.

3. Tổ chức tuyển chọn cây quýt Trọng Con và quýt Hoa Thám làm vật liệu khởi đầu. Đã tạo được 10 cây So và 25 cây S1 quýt Trọng Con sạch bệnh; 10 cây So và 25 cây S1 quýt Hoa Thám sạch bệnh.

4. Xây dựng 2ha mô hình trồng mới quýt Hoa Thám và quýt Trọng Con xen ổi tại 2 xã Trọng Con, huyện Thạch An và xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình với 1.500 cây quýt và 375 cây ổi. Cây giống được sản xuất theo quy trình sản xuất giống cây có múi sạch bệnh trong hệ thống nhà lưới 3 cấp của Viện bảo vệ thực vật. Mắt ghép được lấy từ cây cung cấp mắt ghép S1. Cây quýt trong mô hình trồng mới có tỷ lệ sống đạt 100%, cây ổi trồng xen tỷ lệ sống chỉ đạt 56%. Việc áp dụng quy trình trồng mới và thâm canh cam quýt sạch bệnh cho cây sinh trưởng phát triển tốt, sạch bệnh.

5. Đã sản xuất được 25.286 cây giống quýt Trà Lĩnh, quýt Hà Trì, cam Trương Vương sạch bệnh và 5.400 cây ổi Đài Loan để cung ứng cho mở rộng 33,7ha cam quýt tại 03 xã Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh và xã Trưng Vương, xã Hà Trì huyện Hoà An. Các cây giống quýt đã sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt từ 98-100%, cây ổi đạt từ 50-70%.

6. Nghiên cứu áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp kết hợp với xử lý bằng các hoạt chất bảo vệ thực vật kháng nấm trước thu hoạch 45-60 ngày sẽ làm giảm tỷ lệ thối rụng quả trên đồng ruộng từ 71,10-76,14%. Sau thu hoạch xử lý quả quýt Trà Lĩnh bằng nano chitosan 5% có hiệu quả giảm tỷ lệ thối hỏng là 78,76% và cam Trưng Vương xử lý muối NAHCO3 2% hiệu quả đạt 76,74%.

7. Tổ chức chuyển giao cho 07 cán bộ của địa phương về công nghệ sản xuất cây ăn quả có múi sạch bệnh, gồm: Quy trình vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng giống cây có múi; Quy trình chẩn đoán và giám định bệnh greening và tristera bằng kỹ thuật PCR, ELISA; Quy trình làm bầu không đất; Quy trình ghép mắt nhỏ có gỗ; Quy trình trồng mới thâm canh cam quýt sạch bệnh. Tổ chức 10 lớp tập huấn, mỗi lớp 30 học viên về quy trình trồng, chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp trên cam quýt và bảo quản sau thu hoạch cho các hộ nông dân trồng cam quýt tại 5 xã Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh và xã Trưng Vương, xã Hà Trì huyện Hoà An.

Tác giả bài viết: HH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

PHIM PHỔ BIẾN KIẾN THỨC KH&CN


HOẠT ĐỘNG THAM MƯU TƯ VẤN

KỶ YẾU KH&CN

THÔNG TIN NHIỆM VỤ KH&CN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 91

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 86


Hôm nayHôm nay : 13583

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 109802

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25283448

CÔNG TÁC XUẤT BẢN















Trang thông tin điện tử Sở KH&CN Cao Bằng