Quan hệ tộc người xuyên biên giới ở tỉnh Cao Bằng tác động đến ổn định xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh
Thứ hai - 30/03/2020 09:42
Chủ nhiệm đề tài: Hà Thị Mỹ Hạnh
Đơn vị thực hiện: Học viện chính trị khu vực 1
Thời gian thực hiện: 2019
I. Đặt vấn đề
Cao Bằng là địa bàn cư chú lâu đời của nhiều tộc người thiểu số, chủ yếu thuộc các nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, Mông – dao và Tạng – Miến. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, có thời kỳ ở Cao Bằng chưa nhận thức đầy đủ và thực sự coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của nhân dân, nhất là có một số tộc người cải đạo theo các tôn giáo mới dẫn tới sự xuất hiện một cộng đồng xã hội mới (tạm gọi là cộng đồng dân tộc - tôn giáo), nhận thức về vấn đề biên giới quốc gia và vấn đề quan hệ thân tộc, đồng tộc và hôn nhân xuyên biên giới có xu hướng ngày càng gia tăng; những tiềm ẩn từ xung đột lợi ích giữa các cộng đồng tộc người cũng đang có nguy cơ dẫn tới mất ổn định xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trước yêu cầu phát triển và hội nhập của các tộc người trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới có nhiều biến động, đặc biệt các thế lực phản động trong và ngoài nước đang triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc, bất cập trong quan hệ tộc người ở Cao Bằng để xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết, phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa các tộc người, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, phá vỡ xu thế có kết tộc người ở nhiều địa phương nhằm tạo ra sự bất ổn, chuyển hóa thành các “điểm nóng” chính trị - xã hội. Xuất phát từ thực tế trên Học viện chính trị khu vực 1 đã nghiên cứu đề tài “Quan hệ tộc người xuyên biên giới ở tỉnh Cao Bằng tác động đến ổn định xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh”. Đây là vấn đề hết sức cấp thiết, cả về phương diện lý luận và thực tiễn.
II. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng khung phân tích quan hệ tộc người xuyên biên giới và cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu quan hệ tộc người xuyên biên giới ở tỉnh Cao Bằng.
- Phân tích thực trạng các mối quan hệ tộc người xuyên biên giới ở tỉnh Cao Bằng với các biểu hiện về quy mô, phạm vi quan hệ, tính chất và mức độ quan hệ xuyên biên giới… Trên cơ sở đó, đánh giá khách quan tác động tích cực và tiêu cực của mối quan hệ tộc người xuyên biên giới ở tỉnh Cao Bằng đối với sự ổn định và phát triển bền vững.
- Dự thảo xu hướng biến đổi quan hệ tộc người xuyên biên giới ở tỉnh Cao Bằng và đề xuất giải pháp tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết các tộc người xuyên biên giới ở tỉnh Cao Bằng góp phần ổn định xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
III. Kết quả nghiên cứu
Sau khi thực hiện đề tài, đơn vị chủ trì đã thực hiện hoàn thành mục tiêu, nội dung đề ra.
- Giải quyết được vấn đề dân tộc ở đây trước hết là xử lý các mối quan hệ tộc người xuyên văn hóa, xã hội, từ phạm vi quốc gia đến các yếu tố quốc tế, từ cộng đồng quốc gia dân tộc đến nội bộ từng tộc người.
- Phân tích được thực trạng mối quan hệ tộc người xuyên biên giới ở tỉnh Cao Bằng chịu tác động bởi những vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền lợi chính trị, kinh tế, nhân quyền, dân tộc và tôn giáo,… Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn thường xuyên tuyên truyền kích động dân chúng nhiều chiêu bài vừa cũ vừa mới để chống phá cách mạng, vu cáo Việt Nam trong xử lý, giải quyết vấn đề quan hệ tộc người xuyên biên giới. Mối quan hệ tộc người ở đây còn liên quan chặt chẽ với vấn đề hình thành các tổ chức chính trị phản động gắn với tư tưởng tự trị, ly khai, âm mưu “Vương quốc mông”, các mâu thuẫn khác của quan hệ tộc người xuyên quốc gia ở tỉnh Cao Bằng cũng khá bức xúc, cần được giải quyết kịp thời.
- Do tác động của quá trình hội nhập, vấn đề di cư, quản lý và sử dụng tài nguyên, biến đổi tôn giáo tín ngưỡng, đặc biệt là vấn đề lợi dụng dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, các mâu thuẫn giữa cán bộ với người dân, giữa người có tôn giáo với người không tôn giáo,… Những vấn đề này làm cho tình đoàn kết vốn tốt đẹp trước đây dần mờ đi và làm giảm niềm tin của các tộc người, cả thiểu số và đa số với cách mạng, với Đảng, Nhà nước và quốc gia dân tộc Việt Nam. Những yếu tố tiêu cực trong quan hệ tộc người xuyên biên giới nói trên là nguyên nhân chính dẫn đến bất ổn về quốc phòng an ninh, chính trị - xã hội ở tỉnh Cao Bằng trong những năm qua.
- Trong những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đang bước vào thời kỳ phát triển đổi mới. Người Mông cũng đang có những biến đổi, cả tích cực và hạn chế. Các mối quan hệ tộc người này có những thay đổi, xuất hiện những động thái mới cần quan tâm.
- Để tiếp tục giữ vững ổn định và phát triển bền vững Cao Bằng, có những vấn đề cần phải thực hiện quyết liệt. Muốn thực hiện được điều đó trước hết phải đổi mới tư duy nhận thức về vai trò điều tiết của các mối quan hệ tộc người; Tìm tòi một mô hình quản lý phù hợp cho việc quản trị vùng vừa đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý đất nước, vừa thích ứng đặc thù của địa phương; Kết hợp hợp lý giữa các thiết chế quan phương với thiết chế phi quan phương trong xây dựng hệ thống chính trị; Không ngừng hoàn thiện chính sách và phương thức quản trị phát triển vùng; Kiểm soát các biển đổi xã hội ở tỉnh Cao Bằng bằng phương thức phù hợp, đặc biệt là di động xã hội, chuyển đổi đức tin tôn giáo do các áp lực ngoại sinh thiếu lành mạnh; Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các tộc người tỉnh Cao Bằng với sự kết hợp cả bảo tồn “tĩnh” và bảo tồn “động”, trong đó đặc biệt coi trọng bảo tồn giá trị văn hóa tộc người trong môi trường đã sinh sản, nuôi dưỡng nó; Tăng cường trách nhiệm của chủ thể liên quan đến quản lý các mối quan hệ tộc người, quản trị xã hội ở tỉnh Cao Bằng.
Tác giả bài viết: HK (Theo báo cáo đề tài)