Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp đặc sản của huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng
Thứ tư - 18/03/2020 11:36
Chủ nhiệm đề tài: KS. Đàm Thị Lâm
Đơn vị chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN
Thời gian thực hiện: Năm 2016-2019
I. Đặt vấn đề
Huyện Trùng Khánh được biết đến với giống lúa nếp địa phương thơm ngon được người dân trên địa bàn tỉnh ưa chuộng, như: Khẩu Phấng (nếp Ong), Tin Pất được gieo trồng tại các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê, Đình Phong, Phong Châu và Chí Viễn. Tuy nhiên, việc bảo tồn nguồn giống của người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế, chủ yếu do người dân tự giữ giống từ vụ này sang vụ khác nên không tránh khỏi sự thoái hóa giống do yếu tố di truyền và điều kiện ngoại cảnh tác động. Do vậy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được Sở KH&CN giao triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng các giống lúa nếp đặc sản của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”, đây là việc làm vô cùng cần thiết để duy trì, nâng cao năng suất và chất lượng các giống lúa đặc sản của địa phương.
II. Mục tiêu của đề tài
Phục tráng, bảo tồn và phát triển nguồn gen các giống lúa nếp đặc sản của huyện Trùng Khánh làm cơ sở tiến tới xây dựng thương hiệu gạo nếp đặc sản của tỉnh Cao Bằng. Cụ thể:
- Phục tráng giống lúa nếp đặc sản là Khẩu Phấng và Tin Pất của huyện Trùng Khánh để chọn được dòng giống có năng suất cao, chất lượng tốt.
- Hoàn thiện quy trình thâm canh giống lúa nếp đặc sản Khẩu Phấng và Tin Pất của huyện Trùng Khánh phù hợp với điều kiện địa phương.
- Xác định hàm lượng dinh dưỡng cơ bản của giống lúa nếp đặc sản Khẩu Phấng và Tin Pất.
- Chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân giống, thâm canh cho cán bộ kỹ thuật và một số hộ nông dân tại địa phương.
III. Kết quả nghiên cứu
Sau 3 năm triển khai thực hiện, đề tài đã hoàn thành mục tiêu, nội dung đề ra. Cụ thể:
- Đã tiến hành điều tra, khảo sát xác định diện tích, năng suất và tình hình sử dụng, tập quán canh tác hai giống lúa Khẩu Phấng và Tin Pất tại 2 xã Ngọc Côn và Ngọc Khê.
- Tổ chức thu thập các mẫu giống lúa nếp, theo dõi quan sát thời gian sinh trưởng và phát triển của hai giống lúa ở vụ mùa năm 2016 để xây dựng bản mô tả các tính trạng đặc trưng của hai giống lúa làm cơ sở cho công tác phục tráng.
- Tiến hành gieo cấy vụ thứ nhất tại xã Ngọc Côn với diện tích 1.000m2, mỗi giống 500m2, sau đó thực hiện việc chọn giống, tiếp tục gieo cấy vụ 2 năm 2017 với 80 dòng, diện tích 2.000m2, mỗi giống 1.000m2. Qua theo dõi, đo đếm các chỉ tiêu, đề tài đã lựa chọn được 9 dòng giống Khẩu Phấng và 8 dòng giống Tin Pất để làm giống gieo cấy vụ thứ 3 năm 2018. Đây là các giống được phục tráng theo Quy trình phục tráng giống lúa thuần của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các tính trạng nổi trội đạt năng suất cao hơn so với giống ban đầu chưa phục tráng.
- Hoàn thành việc phục tráng hai giống lúa nếp Khẩu Phấng và Tin Pất tạo ra sản phẩm giống lúa siêu nguyên chủng nếp Khẩu Phấng năng suất bình quân đạt từ 42-45 tạ/ha, cao hơn so với giống chưa phục tráng (40 tạ/ha). Đối với giống nếp Tin Pất, có thời gian sinh trưởng dài hơn so với nếp Khẩu Phẩng 10 ngày (170 ngày) nhưng lại cho năng suất thấp hơn, vì trỗ bông muộn hơn các giống lúa khác nên thường bị sâu bệnh tập trung phá hại gây ảnh hưởng đến năng suất lúa, năng suất 34,5-35,1 tạ/ha.
- Hoàn thiện được quy trình thâm canh sản xuất giống lúa nếp Khẩu Phấng và Tin Pất, đồng thời xác định được các yếu tốt về thời vụ, đất đai, liều lượng phân bón thích hợp trên cơ sở đó đã xây dựng quy trình thâm canh sản xuất hai giống lúa nếp Khẩu Phấng và Tin Pất.
Tác giả bài viết: HH