Trang nhất » Kỷ yếu KH&CN » Tóm tắt ĐT/DA 2016-2020

Điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc mở rộng và nâng hạng cấp Quốc gia khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao vít Trùng Khánh

Thứ ba - 24/03/2020 09:19
Chủ nhiệm đề tài: GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh 
Đơn vị chủ trì: Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ
Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2018

I. Đặt vấn đề
Vượn Cao Vít nằm trong danh sách 25 loài Linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới và đứng thứ 9 khu vực châu Á và là một trong 5 loài nguy cấp tại Việt Nam. Danh lục Đỏ IUCN (2008, 2010, 2012) xếp Vượn Cao Vít vào mức cực kỳ nguy cấp - CR (Critically Endangered). Loài Vượn này được coi là bị tuyệt diệt ở Quảng Tây từ thập niên 1950 (Tan, 1985). Vượn Cao Vít được ghi nhận ở Việt Nam từ năm 1884 và năm 1965 thu được ba tiêu bản ở Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ đó đến nay loài vượn này được coi như tuyệt chủng do không có bất cứ ghi nhận nào về sự tồn tại của loài.
                             Theo kết quả điều tra khảo sát, số lượng Vượn Cao Vít đã ghi nhận tại thời điểm tháng 8 năm 2002, là 5 đàn gồm 26 cá thể (Geismann et al., 2002) tháng 10 năm 2004 ghi nhận 8 đàn gồm 37 cá thể (Trịnh Đình Hoàng 2004) tháng 11 năm 2005 đã quan sát được 6 đàn gồm 46 cá thể còn 2 đàn khác không quan sát được mà chỉ nghe được tiếng hót (Vũ Ngọc Thành. Geismann et all..). Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát năm 2006 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh được UBND tỉnh ra Quyết định thành lập số 2536/QĐ-UBND ngày 15/11/2006 với diện tích 1.656,80 ha trên phạm vi các xã Ngọc Khê, Ngọc Côn và Phong Nậm của huyện Trùng Khánh.
Việc gia tăng số lượng cá thể đặt ra yêu cầu mở rộng không gian sống cho loài vượn này. Tuy nhiên, từ trước tới nay việc nghiên cứu đa dạng sinh học tại khu vực chưa điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội vùng và khu vực lân cận một cách tổng thể. Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức Lãnh thổ thực hiện đề tài: “Điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc mở rộng và nâng hạng cấp quốc gia khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánhksẽ góp phần bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng và bảo vệ các loài đặc hữu quý hiếm phục vụ mục đích bảo tồn, nghiên cứu, giáo dục, làm cơ sở khoa học cho việc thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh cấp quốc gia Vượn Cao Vít Trùng Khánh thành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
II. Mục tiêu của đề tài
- Đánh giá đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh.
- Đánh giá thực trạng đa dạng sinh học, đa dạng các hệ sinh thái, các giá trị cảnh quan thiên nhiên độc đáo và tài nguyên thiên nhiên của khu dự kiến thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh.
- Luận chứng cơ sở khoa học cho việc mở rộng và nâng hạng cấp quốc gia khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh.
III. Kết quả thực hiện
1. Đánh giá đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên khu bảo tồn loài sinh cảnh Trùng Khánh hiện có, khu đề xuất mở rộng và vùng lân cận.
Vùng lõi của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít thuộc địa phận 4 xã Phong Nậm, Ngọc Khê, Ngọc Côn và Ngọc Chung thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; vùng đệm thuộc 2 xã Lăng Yên và Khâm Thành của huyện Trùng Khánh. Khu bảo tồn nằm ở phía Tây Bắc của dãy núi đá vôi thuộc khu vực Đông Bắc của Việt Nam, tiếp giáp với huyện Trịnh Tây, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Toàn bộ khu vực rừng của khu bảo tồn Vượn Cao Vít trong mở rộng có toạ độ địa lý từ 22051'27" đến 22056'51" độ vĩ  Bắc và từ 106024'34" đến 106034'07" độ kinh  Đông.
Cơ cấu kinh tế của các xã nằm trong khu bảo tồn không ngừng chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, ngành nghề lao động chính đem lại thu nhập cho người lao động trong các xã thuộc khu bảo tồn chủ yếu vẫn là làm nông nghiệp.
Tổng thu nhập toàn xã năm 2014 đạt 7,705 tỷ đồng. Trong đó: Nông nghiệp 7,640 tỷ đồng (chiếm 99,16%); Công nghiệp - TTCN 0,05 tỷ đồng (chiếm 0,65%); Thương mại - Dịch vụ 0,015 tỷ đồng (chiếm 0,19).
Năm 2017 dân số trung bình của 6 xã nằm trong khu bảo tồn là 10.450 người trong đó tổng diện tích tự nhiên theo niên giám thống kê năm 2017 là 141,43 km2. Mật độ dân số trung bình của khu vực này là 73 người/km2.
2. Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, hệ sinh thái.
Trong khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít Trùng Khánh và vùng mở rộng có 8 hệ sinh thái (HST), gồm: HST rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi; HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới cây lá rộng; HST rừng trên núi đá vôi; HST rừng tre nứa thuần loại và hỗn giao; HST trảng cỏ cây bụi; HST thủy vực; HST nông nghiệp và HST khu dân cư. Trong 8 HST đó thì có tới 4 hệ sinh thái rừng tự nhiên khác nhau còn lại là các hệ sinh thái trảng cỏ - cây bụi, nông nghiệp, khu dân cư và thủy vực.
3. Đánh giá điều kiện sinh thái và nghiên cứu đặc tính sinh học của Vượn Cao Vít và một số loài vượn.

* Điều kiện sinh thái của Vượn Cao Vít

- Các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến các pha vật hậu gồm: ánh sáng mặt trời, nhân tố nước, độ ẩm không khí, độ ẩm đất, nhiệt độ, khí hậu, thời tiết, nhân tố đất đai.
- Ngoài ra còn các nhân tố khác ảnh hưởng đến pha vật hậu như: độ tàn che, tỉ lệ đá lộ đầu.
* Đặc tính sinh học của Vượn Cao Vít
Qua nghiên cứu cho thấy đặc điểm sinh học của Vượn Cao Vít bao gồm: Đặc điểm về hình thái (vượn đực trưởng thành, vượn cái trưởng thành, vượn con chưa trưởng thành, con non); tập tính sống (tập tính xã hội, nghỉ ngơi, di chuyển, nơi sống, kích thước vùng sống); số lượng quần thể (Cấu trúc quần thể, phạm vi sống, sức chứa/Khả năng chịu tải của sinh cảnh).
4. Đánh giá hành lang đa dạng sinh học (hành lang xuyên biên giới).
* Vị trí:         Hành lang đa dạng sinh học xuyên biên giới Cao Bằng (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc) nằm ở vị trí giáp biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài từ xã Ngọc Côn - Phong Nậm - Ngọc Chung - Lăng Yên.
* Hành đa dạng sinh học xuyên biên giới Cao Bằng - Quảng Tây liền kề khu bảo tồn loài - sinh cảnh Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng được mở rộng có diện tích 6046ha, gồm 08 hệ sinh thái trong đó có tới 04 hệ sinh thái rừng tự nhiên khác nhau còn lại là các hệ sinh thái trảng cỏ - cây bụi, nông nghiệp, khu dân cư và thủy vực. Nổi bật trong Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia Vượn Cao Vít Trùng Khánh là hệ sinh thái núi đá vôi.
5. Thực trạng công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khu bảo tồn loài sinh cảnh Trùng Khánh.

* Hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và môi trường:

- Cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường địa phương bao gồm: Cấp tỉnh, cấp huyện, thị.
- Từ năm 2006 đến nay công tác bảo tồn Đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nói chung chưa được chú trọng. Theo quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc phê duyệt kết quả phân chia 3 loại rừng tỉnh Cao Bằng, gồm có 8 khu rừng đặc dụng, trong đó khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít huyện Trùng Khánh có diện tích 1.656,8 ha được UBND tỉnh cấp bìa đỏ quyền sử dụng đất, nên nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên đều giao cho Ban quản lý khu bảo tồn Vượn Cao Vít thực hiện.

* Các phương thức bảo vệ rừng của cộng đồng: Quản lý rừng cộng đồng, có sự tham gia của người dân, hộ gia đình trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng, đất rừng.

6. Đánh giá diễn biến về đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên khu bảo tồn loài sinh cảnh Trùng Khánh và vùng lân cận.
Trong những năm qua do hậu quả của mất rừng và giảm số lượng cũng như chất lượng cá thể của các loài, một số loài cây trước đây cao, đường kính lớn nay chỉ còn cây nhỏ, đường kính bé ví dụ như: đinh, cà ổi, tô hạp, giổi găng, lát hoa,... đặc biệt 1 số loài cây hiếm gặp như: du sam, rau sắng, thông tre, lan kim tuyến… Nhiều loài cây tạp ưa sáng như thôi chanh, sơn, chẹo, dâu da xoan,… mọc nhiều, làm thay đổi kết cấu tổ thành loài cây… Làm thay đổi các thành phần trong chuỗi thức ăn do đó cấu trúc và thành phần loài trong HST có thể bị thay đổi.
7. Đánh giá theo các tiêu chí của Luật Đa dạng sinh học và đề xuất nâng hạng.
Tiêu chí 1: Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Động vật: Kết quả nghiên cứu tại vùng đề xuất thành lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp Quốc gia đã xác định được 21 loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, trong đó có 18 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007).
Thực vật: Thống kê được 41 loài quý hiếm, trong đó: 37 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 17 loài nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
Vùng đề xuất xây dựng thành KBT cấp quốc gia là nơi sinh sống thường xuyên không chỉ của một loài, mà có tới 37 loài thực vật và 21 loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao. Như vậy, vùng đề xuất hoàn toàn đáp ứng tiêu chí 1 theo điều 19 Luật ĐDSH để xây dựng thành KBT.
Tiêu chí 2: Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục
Vùng đề xuất thành lập KBT có giá trị đặc biệt về khoa học và giáo dục đối với các ngành khoa học địa lý, địa chất, sinh học và môi trường. Đây có thể coi là vùng mẫu của hệ sinh thái đặc trưng của vùng núi trung bình và cao Đông Bắc, nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và sớm của gió mùa Đông Bắc, phục vụ nghiên cứu khoa học và công tác giảng dạy; hoàn toàn đáp ứng tiêu khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp Quốc gia tại điều 19 của Luật Đa dạng sinh học.
8.  Đánh giá tổng thể (đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên). Đề xuất kiến nghị mở rộng và nâng hạng khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh cấp Quốc gia.
* Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới và bản đồ khu vực mở rộng và nâng hạng khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh
          - Vị trí địa lý: Khu vực mở rộng thuộc địa phận phía tây và tây bắc xã Phong Nậm, Ngọc Chung, Lăng Yên, Khâm Thành, có tọa độ địa lý: 22° 51' 37’’ - 22° 54' 36’’ vĩ độ Bắc; 106° 24' 35’’ - 106° 31' 30’’ độ kinh Đông.
          - Diện tích: Có diện tích 3.365,27ha
* Điều kiện tự nhiên khu vực mở rộng
Khu vực mở rộng nằm liền kề với Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia Vượn Cao Vít Trùng Khánh. Khu vực có địa hình hầu hết là núi đá vôi. Đặc điểm khí hậu hoàn toàn giống đặc điểm khí hậu tại khu bảo tồn loài - sinh cảnh hiện có với khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, lạnh, mùa lạnh tương đối dài, mưa vừa, mùa khô trung bình, thời kỳ hạn ngắn.
* Điều kiện kinh tế - xã hội khu vực mở rộng
Các dân tộc sống trong khu vực chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng và Kinh. Hầu hết các xã trong khu vực đề xuất mở rộng có điều kiện kinh tế chưa phát triển, nghề nghiệp chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt chuyên canh về cây lúa, cây ngô và một số cây hoa màu khác.
Nhìn chung nền kinh tế của các xã tại đây hầu như là tự cung tự cấp, ngành nghề chưa phát triển, đời sống nhân dân chưa được cải thiện, thu nhập chưa cao, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều.
9. Xây dựng hồ sơ mở rộng và nâng hạng khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh.
Dựa vào quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ mở rộng khu bảo tồn loài - sinh cảnh theo luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 13 tháng 11 năm 2008, đề tài đã đề xuất quy hoạch các phân khu chức năng khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vượn Cao Vít cấp quốc gia, gồm:
Quy hoạch phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, có diện tích2.680,74 ha, phân bố tại xã Ngọc Côn, tây bắc xã Ngọc Khê và đông bắc xã Phong Nậm
Quy hoạch phân khu phục hồi sinh thái, có diện tích 3.365,27ha thuộc địa phận phía tây và tây bắc xã Phong Nậm, Ngọc Chung, Lăng Yên, Khâm Thành
Quy hoạch phân khu dịch vụ - hành chính, có diện tích 1,69ha thuộc địa phận xã Ngọc Khê.
12. Biên tập và xây dựng hệ thống các bản đồ tỉ lệ 1:25.000.
Đề tài đã biên tập và xây dựng được Bộ bản đồ chuyên đề, gồm: Bản đồ địa mạo, độ dốc, thực vật, sinh khí hậu, cảnh quan sinh thái, đồ phân vùng đa dạng sinh học, đề xuất khu vực mở rộng và nâng hạng khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh.
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

PHIM PHỔ BIẾN KIẾN THỨC KH&CN


HOẠT ĐỘNG THAM MƯU TƯ VẤN

KỶ YẾU KH&CN

THÔNG TIN NHIỆM VỤ KH&CN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 59

Máy chủ tìm kiếm : 10

Khách viếng thăm : 49


Hôm nayHôm nay : 11494

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 93643

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25267289

CÔNG TÁC XUẤT BẢN















Trang thông tin điện tử Sở KH&CN Cao Bằng