Đánh giá hiệu quả của can thiệp "Tăng cường áp dụng kiến thức vào thực tế nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại 3 huyện Nguyên Bình, Hà Quảng và Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng
Thứ sáu - 20/03/2020 10:14
Chủ nhiệm đề tài: BSCKI. Triệu Nguyệt Hoa
Đơn vị chủ trì: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Cao Bằng
Thời gian thực hiện: Năm 2016-2018
I. Đặt vấn đề
Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh là một lĩnh vực quan trọng liên quan chặt chẽ đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân và sự phát triển xã hội. Cao Bằng là một trong các tỉnh miền núi phía Bắc có tỷ lệ tử vong trẻ em và sơ sinh vào nhóm cao thứ 2 sau vùng núi Tây nguyên trong cả nước, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi (25,1‰) và sơ sinh (14,6‰). Tỷ lệ tử vong sơ sinh có sự khác biệt lớn giữa các huyện: thấp nhất là 2,1‰ ở huyện Thạch An và cao nhất là ở huyện Phục Hòa với tỷ suất 37,2‰. Tử vong mẹ có giảm nhiều so với những năm trước đây, tuy nhiên hiện vẫn ở mức 95/100.000 trẻ đẻ sống, xếp thứ 4 trong 7 tỉnh miền núi phía Bắc.
Chương trình can thiệp áp dụng kiến thức vào thực tế tại tuyến xã ở tỉnh Quảng Ninh (NeoKIP 2008-2011) là một mô hình rất thành công với kết quả là tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh đã giảm 50% sau 3 năm can thiệp. Phương pháp can thiệp là hỗ trợ nhóm cán bộ chủ chốt tại xã, huy động sự tham gia của cộng đồng ứng dụng các kiến thức sẵn có vào các hoạt động chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh hiện có, can thiệp này có thể thực hiện được ở mọi vùng miền khó khăn. Để đánh giá hiệu quả cũng như tính khả thi của việc áp dụng mô hình tại tỉnh Cao Bằng đối với việc cải thiện chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Cao Bằng đề xuất nghiên cứu Đánh giá hiệu quả của can thiệp “Tăng cường áp dụng kiến thức vào thực tế nhằm cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh tại 3 huyện Nguyên Bình, Hà Quảng và Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng”.
II. Mục tiêu của đề tài
Mục tiêu chung: Đánh giá hiệu quả của dự án can thiệp tăng cường áp dụng kiến thức vào thực tế nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trước, trong và sau sinh (dự án PeriKIP) ở huyện Nguyên Bình, Hà Quảng và Phục Hòa.
Mục tiêu cụ thể:
- Đánh giá thực hành chăm sóc phụ nữ mang thai của các trạm y tế xã ở 3 huyện Nguyên Bình, Hà Quảng và Phục Hòa tỉnh Cao Bằng trước và sau can thiệp của dự án PeriKIP.
- Đánh giá việc tuân thủ quy trình theo dõi chuyển dạ, chăm sóc cuộc đẻ và sau đẻ tại 3 bệnh viện: bệnh viện đa khoa huyện Nguyên Bình, bệnh viện đa khoa huyện Hà Quảng và bệnh viện đa khoa huyện Phục Hòa trước và sau can thiệp của dự án PeriKIP.
- Đề xuất các giải pháp tăng cường áp dụng kiến thức vào thực tế nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trước, trong và sau sinh trên địa bàn huyện Nguyên Bình, Hà Quảng và Phục Hòa nói riêng và toàn tỉnh Cao Bằng nói chung.
III. Kết quả thực hiện
Đánh giá thực hành chăm sóc phụ nữ mang thai của 48 trạm y tế xã ở 3 huyện Nguyên Bình, Hà Quảng và Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng trước và sau can thiệp của dự án PeriKIP
Qua đánh giá thực hành chăm sóc 192 phụ nữ mang thai tại 48 trạm y tế xã ở 3 huyện Nguyên Bình, Hà Quảng và Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng trước và sau can thiệp của dự án PeriKIP cho thấy việc thực hiện khám thai đầy đủ theo 9 bước của cán bộ y tế đã tăng lên rõ rệt sau can thiệp. Các lần khám thai được thực hiện 7 bước: Chào hỏi, khám toàn thân, khám Sản khoa, tiêm phòng, cung cấp thuốc thiết yếu, ghi chép vào sổ khám và hẹn khám lại đạt tỷ lệ cao (91,7-100%). Số phụ nữ khám thai được xét nghiệm hoặc tư vấn xét nghiệm tăng 26,5% nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp ở thời điểm sau can thiệp (47,9%). Tỷ lệ lần khám thai đủ 9 bước đã tăng nhiều (31,8%) nhưng cũng chỉ có 42,7% số lần khám thai tuân thủ đủ 9 bước theo hướng dẫn.
Tuy nhiên, một số nội dung quan trọng còn bỏ sót, đặc biệt là bước thực hiện xét nghiệm và giáo dục sức khỏe. So với thời điểm trước can thiệp, số phụ nữ được tiêm phòng hoặc tư vấn về tiêm phòng uốn ván, ghi chép giảm 1,1% tại thời điểm sau can thiệp.
Đánh giá việc tuân thủ quy trình theo dõi chuyển dạ, chăm sóc cuộc đẻ và sau đẻ tại 4 bệnh viện đa khoa: huyện Nguyên Bình, huyện Hà Quảng, huyện Phục Hòa và Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng trước và sau can thiệp
Ở cả 4 bệnh viện nghiên cứu, thực hành chăm sóc chuyển dạ, cuộc đẻ và sau đẻ được thực hiện tương đối tốt.
Mặc dù hoạt động của dự án không có can thiệp đào tạo về kỹ năng chăm sóc cuộc đẻ nhưng thông qua tiếp cận phát hiện và giải quyết vấn đề về chăm sóc chu sinh của nhóm chủ chốt tại bệnh viện đã có những tác động tích cực đối với chăm sóc cuộc đẻ. Các thực hành được cải thiện rõ nhất là: Bước tiếp nhận bệnh nhân: Tỷ lệ hỏi về một số dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai và tai biến của lần mang thai trước tăng từ 23- 35%; Các bước khám sản phụ: Tỷ lệ hỏi về số lượng nước tiểu tăng 51,4% và Khám toàn thân tăng 20,6%; Thực hành Rửa tay và Sử dụng biểu đồ chuyển dạ có cải thiện nhiều sau can thiệp nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt là thực hành Rửa tay. Sau can thiệp chỉ có 24,2% rửa tay sau mỗi lần khám ở giai đoạn 1 và 11,6% rửa tay lần 2 ở giai đoạn 2 của quá trình chuyển dạ. Tỷ lệ khám toàn thân cũng tăng hơn 20% là một kết quả đáng khích lệ vì nhân viên y tế cần quan tâm toàn diện khi chăm sóc sức khỏe cho mọi người
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tăng cường áp dụng kiến thức vào thực tế nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trước, trong và sau sinh trên địa bàn huyện Nguyên Bình, Hà Quảng, Phục Hòa nói riêng và toàn tỉnh Cao Bằng nói chung
Qua việc đánh giá việc can thiệp của dự án PeriKIP, nhóm tác giả nhận thấy mô hình triển khai của dự án có thể duy trì được ở các địa bàn nghiên cứu, vì: Mô hình phù hợp, ít tốn kém có thể thực hiện được với cả tuyến bệnh viện và cộng đồng; Hoạt động của dự án đã cải thiện được nhận thức, thực hành chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ở các tuyến; Mô hình dự án đã góp phần thay đổi phương thức làm việc; Mô hình tăng cường sự tham gia của các cán bộ chủ chốt tại xã trong thảo luận, đề xuất giải pháp cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; Các hoạt động của dự án giúp các cán bộ trong nhóm PeriKIP biết được các vấn đề trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ sơ sinh và lập kế hoạch can thiệp giải quyết vấn đề.
Qua thực hiện, đề tài đã đề xuất một số giải pháp duy trì và nhân rộng mô hình trong tỉnh Cao Bằng như sau:
* Tại tuyến xã: Cách thức nhân rộng nếu có thể áp dụng đúng như mô hình đã thực hiện ở 48 xã là lý tưởng nhất. Tuy nhiên, vì không có kinh phí cho cán bộ tạo thuận ở tuyến xã cho nên mô hình có thể thay đổi theo 2 cách:
- Phó chủ tịch xã là Trưởng Nhóm chủ chốt (nhóm PeriKIP ) tuyến xã, đồng thời sẽ kiêm nhiệm luôn vai trò của cán bộ tạo thuận.
- Nội dung và cách thức tiếp cận công việc được lồng ghép vào cuộc họp hàng tháng do Trưởng trạm y tế điều hành.
* Tại tuyến bệnh viện: Việc triển khai trong bệnh viện thuận lợi hơn và ý kiến của tất cả các cán bộ đều khẳng định rằng: “Mô hình can thiệp này có thể áp dụng luôn ở tất cả các bệnh viện”.
Để tạo cơ sở vững chắc cho việc nhân rộng, công việc trước mắt là cần duy trì hoạt động ở các địa bàn của dự án. Vấn đề này cần được sự chỉ đạo của các lãnh đạo bệnh viện, Ủy ban nhân dân và Trung tâm Y tế Huyện. Một sự hỗ trợ quan trọng nữa là công văn chỉ đạo của Sở Y tế và vai trò giám sát của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh./.