Chủ nhiệm đề tài: Mã Thị Ngân
Đơn vị thực hiện: Chi cục Bảo vệ thực vật Cao Bằng
Thời gian thực hiện: Năm 2005
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cam, quýt là cây trồng thế mạnh của huyện Hoà An, là nguồn thu nhập đáng kể của nhiều hộ nông dân, nhưng trong những năm gần đây nhiều vườn cam, quýt đã có hiện tượng vàng lá xuất hiện và có chiều hướng ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây, làm giảm năng suất và chất lượng quả.
II. MỤC TIÊU
Để khắc phục tình trạng trên, Chi cục Bảo vệ thực vật Cao Bằng đã thực hiện đề tài: Nghiên cứu hiện tượng vàng lá gây hại cam, quýt và đưa ra biện pháp phòng trừ tại Cao Bằng. Với mục tiêu:
- Xác định nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá gây hại cam, quýt
- Đưa ra các biện pháp phòng trừ có hiệu quả.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy:
Đã xác định được nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá trên cây cam, quýt gồm 4 nhóm:
- Do sâu đục thân, đục cành, đục gốc
- Do nhóm trích hút (nhện hại, rệp)
- Do thiếu dinh dưỡng
- Do nhóm bệnh gây hại (Bệnh vàng lá gân xanh, chảy gôm, thối rễ, phấn trắng).
Trong đó nguyên nhân chủ yếu và nguy hiểm nhất là bệnh vàng lá gân xanh, mà tác nhân làm cho bệnh lây lan nhanh là do rầy chổng cánh và rệp thân mềm.
Các nguyên nhân chính gây hiện tượng vàng lá cam, quýt được thể hiện tại bảng sau:
(Điều tra 110 cây bị vàng lá)
TT | Nguyên nhân | Số cây bị hại | Tỷ lệ hại % | Mức độ gây hại (%) | ||
Nhẹ | Trung bình | Nặng | ||||
1 | Bệnh vàng lá gân xanh | 24 | 21,8 | 41,7 | 12,5 | 45,8 |
2 | Bệnh chảy gôm | 10 | 9,1 | 40,0 | 40,0 | 20,0 |
3 | Bệnh thối rễ | 4 | 3,6 | 25,0 | 25,0 | 50,0 |
4 | Sâu đục thân | 21 | 19,1 | 28,6 | 57,1 | 14,3 |
5 | Sâu tiện vỏ gốc | 9 | 8,2 | 44,4 | 44,4 | 11,1 |
6 | Mối | 9 | 8,2 | 22,2 | 66,7 | 11,1 |
7 | Nhện hại | 10 | 9,1 | 10,0 | 30,0 | 60,0 |
8 | Rệp | 6 | 5,5 | 50,0 | 33,3 | 16,7 |
9 | Thiếu dinh dưỡng | 17 | 15,5 | 35,3 | 52,9 | 11,8 |
Kết quả trên cho thấy bệnh vàng lá gân xanh có tỷ lệ nhiễm cao nhất là 21,8% số cây bị vàng lá, trong đó mức độ gây hại nặng chiếm tới 45,8% số cây, đây là mức độ nguy hiểm đối với cây cam, quýt. Do công tác phòng trừ sâu bệnh chưa được người dân quan tâm, nên tỷ lệ cây bị sâu đục thân khá cao 19,1% số cây bị vàng lá. Ngoài ra có một số cây bị vàng lá toàn bộ, không có đối tượng sâu bệnh gây hại, cây còi cọc, biểu hiện thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng.
Để xác định bệnh vàng lá gây hại cam, quýt một cách chính xác và khoa học, nhóm thực hiện đề tài đã kết hợp với Viện Bảo vệ thực vật, tiến hành giám định bệnh bằng phương pháp PCR và Eliza, tổng số mẫu giám định là 48 mẫu.
Kết quả như sau:
TT | Nguyên nhân | Số mẫu bị bệnh | Tỷ lệ % |
1 | Bệnh vàng lá gân xanh | 4 | 8,3 |
2 | Bệnh vàng lá | 3 | 6,3 |
3 | Bệnh Greening + Tristeza | 5 | 10,4 |
4 | Nguyên nhân khác | 36 | 75,0 |
Kết quả giám định cho thấy khả năng tiềm ẩn của bệnh vàng lá gân xanh ở những cây khoẻ mạnh chiếm 25% số mẫu giám định, do đó cần phải đề phòng sự bùng phát của bệnh vàng lá gân xanh trong thời gian tới.
Trên cơ sở những nguyên nhân trên, đề tài đã đưa ra được những biện pháp để phòng trừ có hiệu quả như:
- Nguyên nhân vàng lá do thiếu dinh dưỡng và một số sâu bệnh khác như sâu đục thân, đục cành, nhện hại, bệnh phấn trắng... phòng trừ bằng cách bón phân cân đối, chăm sóc đúng kỹ thuật và kết hợp phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
- Nguyên nhân do bệnh vàng lá Greening và bệnh Tristeza trên cây cam quýt, do chưa có thuốc đặc trị, nên biện pháp phòng trừ chủ yếu đối với cây bị bệnh nặng là chặt bỏ và đem đốt, đồng thời phòng trừ triệt để rầy chổng cánh và rệp thân mềm.
Để phòng trừ có hiệu quả dịch bệnh hại trên cây cam, quýt cần áp dụng biện pháp canh tác tổng hợp như: Sử dụng giống cây sạch bệnh đã qua kiểm dịch, trồng với mật độ thích hợp, bón phân cân đối, phát hiện sớm và loại bỏ kịp thời các cây, cành bị bệnh... đặc biệt cần mở các lớp tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về kỹ thuật thâm canh và phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập :
67
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 66
Hôm nay :
10428
Tháng hiện tại
: 44571
Tổng lượt truy cập : 25218217