Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Nguyễn Thị Vòng
Đơn vị thực hiện: Trường đại học nông nghiệp I
Thời gian thực hiện: 2003-2004
I. Đặt vấn đề
Nông trường Lũng Lầu trước đây là nông trường quốc doanh, diện tích khoảng 1000 ha, thuộc địa phận xã Ngọc Khê và xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh. Đây là một trong những vùng còn khó khăn, dù đã có các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn trong những năm qua. Để phát huy tiềm năng vùng đất Lũng Lầu, cần phải năm chắc nguồn tài nguyên thiên nhiên, cần khai thác sử dụng, cải tạo, bảo vệ đất đai, tổ chức hợp lý quỹ đất và đầu tư đúng chỗ để phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao, Trường đại học nông nghiệp I triển khai đề tài “Khảo sát đánh giá các đặc điểm tự nhiên và đề xuất phương án quy hoạch, cải tạo sử dụng hợp lý vùng đất nông trường Lũng Lầu, huyện Trùng Khánh” nhằm thức tỉnh tiềm năng sẵn có của khu vực nông trường Lũng Lầu, làm cơ sở để đầu tư xây dựng thành khu vực có nền kinh tế nông – lâm nghiệp phát triển, từng bước nâng cao đời sống KT-XH, tăng cường an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc.
II. Mục tiêu
- Đánh giá đặc điểm điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường có tác động đến việc sử dụng đất của khu vực Lũng Lầu.
- Đề xuất phương án quy hoạch sử dụng, cải tạo đất theo hướng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, có hiệu quả cao và hợp lý.
III. Kết quả nghiên cứu
1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội:
- Điều kiện tự nhiên: Qua nghiên cứu cho thấy, Lũng Lầu có diện tích đất đai rộng, thành phần đất đai có khả năng phù hợp với nhiều loại cây trồng như: Cây ăn quả, cây dược liệu, cây thức ăn gia súc… và phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn nước khan hiếm, chủ yếu phụ thuộc vào nước tự nhiên, thời tiết khí hậu khắc nghiệt … nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Đây là trở ngại trong quá trình phát triển KT-XH của vùng nông trường Lũng Lầu.
- Thực trạng phát triển KT-XH: Nền kinh tế của khu vực Lũng Lầu chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 100% tổng giá trị sản xuất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế không ổn định, chủ yếu là nông nghiệp bị ảnh hưởng và chịu sự chi phối bởi các yếu tố tự nhiên: thời tiết, dịch bệnh…Dân số phân bố không đều, các khu dân cư phân tán gây khó khăn cho việc đầu tư phát triển các công trình phúc lợi công cộng. Cơ sở hạ tầng còn thấp kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH. Mặt dù đã có nhiều cố gắng trong phát triển KT-XH, tạo tiền đề cho giai đoạn thưc hiện CNH, HĐH. Tuy nhiên, sự chuyển biến còn chậm, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn.
2. Đánh giá hiện trạng sử dụng đất đai, nguồn nước:
- Hiện trạng sử dụng đất: Trong 220,22 ha diện tích đất nghiên cứu cho thấy: đất nông nghiệp chiếm 38,90 ha, đất lâm nghiệp có rừng chiếm 9,58ha, đất chuyên dùng chiếm 5,09ha, đất ở nông thôn chiếm 1,6ha, đất chưa sử dụng và núi đá chiếm 165,05ha. (số liệu tính đến tháng 7 năm 2003).
- Hiện trạng nguồn nước: Qua nghiên cứu cho thấy địa bàn Lũng Lầu không có nguồn nước nào có khả năng phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, địa bàn xã Ngọc Khê có sông Quây Sơn chảy từ biên giới Việt – Trung qua địa bàn xã dài 20km. Hiện tại có 2 mỏ nước được chảy từ các khu núi, trữ lượng hạn chế, chỉ đủ dùng cho sinh hoạt của nhân dân.
3. Đặc tính của đất:
a. Phân loại và mô tả các loại đất: Đất của khu vực Lũng Lầu được hình thành chủ yếu do đá trầm tích bị phong hoá trong điều kiện nhiệt đới ẩm. Trong phạm vi khảo sát hơn 200 ha, theo tiêu chuẩn định lượng của FAO-UNESCO, đất được chia thành 4 loại chính, gồm: Đất nâu đỏ điển hình phát triển trên đá vôi; đất xám ferralit điển hình phát triển trên đá sét vôi; đất xám ferralit phát triển trên đá cát, có đá lẫn nông và đất phù sa ngòi suối chua.
- Đất nâu đỏ điển hình phát triển trên đá vôi: đây là loại đất tốt của khu vực Lũng Lầu, với ưu điểm chính là đất tương đối bằng phẳng; đất tơi xốp và có độ dày lớn; hàm lượng lân tổng số tương đối cao. Trên loại đất này có thể trồng được nhiều loại cây khác nhau. Trước tiên ưu tiên phát triển cây công nghiệp dài ngày như chè.
- Đất xám ferralit điển hình phát triển trên đá sét vôi: Đây là loại đất có độ phì nhiêu kém hơn so với đất nâu đỏ điển hình phát triển trên đá vôi. Đất thường có màu nâu vàng, vàng nhạt hay xám nâu. So với đất nâu đỏ điển hình phát triển trên đá vôi, đất xám ferralit phát triển trên đá sét vôi có xu hướng chua hơn, song vẫn là loại đất phù hợp cho nhiều loại cây như chè, mía, trồng cỏ làm thức ăn gia súc…
- Đất xám ferralit phát triển trên đá cát, có đá lẫn nông: Chiếm 14,09% tổng diện tích khu vực nghiên cứu. Hiện nay loại đất này đang bỏ hoá hoặc đang tái thiết rừng. Do đặc điểm đất dốc, tầng mỏng, đá lẫn nông, đất tương đối nhẹ, theo kinh nghiệm địa phương chưa nên đưa vào sản xuất nông nghiệp. Trước mắt cần nhanh chóng khoanh nuôi, tái thiết rừng để bảo vệ tài nguyên đất, chống xói mòn, đồng thời giữ nước cung cấp cho dải đất phù sa nằm phía dưới để trồng lúa bảo đảm lương thực tại chỗ. Cây lâm nghiệp có thể trồng là cây keo tai tượng, thông.
- Đất phù sa ngòi suối chua, cơ giới trung bình và nặng: Đất được hình thành do lắng đọng phù sa của các con suối từ các ngọn núi đá vôi hoặc núi đá cát. Đất chủ yếu đang sử dụng trồng lúa, tuy nhiên năng suất không cao, nguyên nhân do thiếu nước và ít phân bón.
4. Xây dựng phương án quy hoạch và cải tạo đất
Nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra 3 phương án quy hoạch sử dụng đất, dựa vào tiềm năng đất đai và tình hình sử dụng đất cũng như mục tiêu phát triển KT-XH của vùng đất Lũng Lầu, huyện Trùng Khánh và tỉnh Cao Bằng là tập trung xây dựng vùng này thành điểm sáng về phát triển KT-XH, an ninh biên giới, an toàn xã hội, đề tài đã lựa chọn phương án 3 là phương án phù hợp nhất để xây dựng quy hoạch. Cụ thể:
- Đất nông nghiệp là 120,70ha, tăng 81,8ha so với hiện trạng, trong đó, sẽ trồng cỏ cho chăn nuôi là 66,93ha… đất nông nghiệp tăng khá chủ yếu từ đất chưa sử dụng.
- Đất lâm nghiệp 54,76ha tăng 45,18 ha, trong đó, rừng tự nhiên 2,96ha, rừng trồng 51,8ha, tăng 45,18ha hầu hết là từ đất chưa sử dụng.
- Đất chuyên dùng 5,73ha tăng 0,64ha;
- Đất chưa sử dụng 37,43ha, giảm 127,62 ha.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập :
82
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 81
Hôm nay :
5220
Tháng hiện tại
: 649227
Tổng lượt truy cập : 23553263