Nếp hương Bảo Lạc- sản phẩm chất lượng và uy tín

Nếp Hương là một trong những giống lúa nếp nổi tiếng thơm ngon của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng được người tiêu dùng ưa chuộng. Để khẳng định và phát huy giá trị của sản phẩm trên thị trường, Sở KH&CN đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “nếp Hương Bảo Lạc” cho sản phẩm gạo nếp Hương của huyện Bảo Lạc, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân và chính quyền địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế, thị phần trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đưa sản phẩm gạo nếp Hương trở thành một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Nếp hương Bảo Lạc- sản phẩm chất lượng và uy tín

Hiện nay, gạo nếp Hương của huyện Bảo Lạc được trồng nhiều tại các xã Xuân Trường, Khánh Xuân, Phan Thanh, với diện tích trồng lúa trên 70 ha, năng suất trung bình đạt trên 40 tạ/ha. Nếp Hương là loại gạo nếp thơm ngon, hạt to, tròn, có mùi thơm đặc trưng và hàm lượng dinh dưỡng cao so với gạo nếp của một số địa phương khác nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Để hỗ trợ Bảo Lạc bảo tồn, phục tráng và phát triển loại cây đặc sản này, từ năm 2014 đến nay, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học Trung ương và địa phương, một số nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai thực hiện, như: Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa Nếp Hương Bảo Lạc và Nếp Pì Pất Cao Bằng”; Dự án: “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản nếp Hương tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”.

Qua kết quả thực tế việc sản xuất giống lúa nếp hương Bảo Lạc đã được phục tráng thành công trên địa bàn xã Xuân Trường trong những năm gần đây cho thấy, giống lúa nếp hương Bảo Lạc đã được phục tráng có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu, bệnh tốt hơn giống lúa nếp hương khi chưa được phục tráng. Việc tiếp tục sản xuất giống lúa này trong thời gian tới sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả, bền vững. Vì vậy, chính quyền huyện Bảo Lạc đã kết hợp lồng ghép nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện hỗ trợ người dân về phân bón, tập huấn kỹ thuật để phát triển sản xuất lúa nếp hương theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở xác định vấn đề tiêu thụ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất nói chung và vấn đề đảm bảo việc phát triển sản xuất giống lúa nếp hương Bảo Lạc bền vững nói riêng, trong thời gian qua, chính quyền huyện Bảo Lạc đã và đang nghiên cứu việc quy hoạch vùng sản xuất một cách hợp lý, đồng thời quan tâm đề xuất với Sở KH&CN về việc tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này để thuận lợi cho việc quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, cũng như đưa sản phẩm tiếp cận được với các thị trường lớn, nhiều tiềm năng như Hà Nội và các thành phố lớn trong nước.

Các hộ dân sản xuất lúa nếp Hương trên địa bàn huyện Bảo Lạc sau khi được cung cấp và sử dụng giống lúa nếp Hương đã được phục tráng, nhận thấy hiệu quả nổi trội về năng suất và chất lượng sản phẩm đã tin tưởng và bày tỏ mong muốn được mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, hầu hết các hộ sản xuất lúa nếp Hương trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã được tập huấn kỹ thuật nhân giống loại sản phẩm đặc sản này.

Sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao của người dân trong việc thực hiện chủ chương mở rộng quy mô sản xuất lúa nếp hương Bảo Lạc theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở quan tâm thực hiện việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm là điều kiện cần thiết để cụ thể hóa thành công chủ trương thành các kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, trên cơ sở giống lúa nếp hương đã được phục tráng thành công, địa phương và người dân cần có biện pháp để duy trì chất lượng sản phẩm và phát huy các đặc tính tốt của giống lúa nếp hương; quan tâm đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến việc nghiên cứu, khắc phục các hạn chế của giống lúa nếp hương hiện nay như: cây cao dễ đổ, còn tồn tại hiện tượng chết cổ bông,… để tiếp tục nâng cao năng suất giống lúa và tăng thu nhập cho người dân.

Thực hiện đề xuất của chính quyền huyện Bảo Lạc về mong muốn xác lập quyền sở hữu trí tuệ để phát huy giá trị cho sản phẩm lúa nếp Hương Bảo Lạc và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ khi diện tích và sản lượng lúa nếp Hương đang được mở rộng, Sở Khoa học và công nghệ đã chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “NẾP HƯƠNG BẢO LẠC” cho sản phẩm gạo nếp Hương, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ngày 31/10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định số 96279/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 335148 cho sản phẩm gạo nếp Hương của huyện Bảo Lạc. Theo đó, nhãn hiệu tập thể “nếp Hương Bảo Lạc” do Hội nếp Hương Bảo Lạc là chủ sở hữu nhãn hiệu.

Nhãn hiệu tập thể “nếp Hương Bảo Lạc” có màu xanh lá cây, xanh nước biển, xanh lúa non, vàng nâu, cam, đỏ. 84 hội viên Hội nếp Hương Bảo Lạc được khai thác, sử dụng nhãn hiệu gắn cho sản phẩm gạo nếp Hương trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo nếp Hương. Việc sản phẩm gạo nếp Hương của huyện Bảo Lạc được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể là sự khẳng định quyền được bảo hộ pháp lý của sản phẩm. Việc xây dựng, đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể "nếp Hương Bảo Lạc" là cơ sở để người dân và chính quyền địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế, thị phần trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là công cụ pháp lý góp phần nâng cao danh tiếng, uy tín, khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạo nếp Hương trên thị trường.

Để phát huy tốt nhất giá trị tài sản trí tuệ của Nhãn hiệu tập thể gạo nếp Hương Bảo Lạc và những kết quả của nghiên cứu khoa học công nghệ, trong thời gian tới, bà con nông dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất để có sản phẩm đạt chất lượng tốt, bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ người dân tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; quy hoạch, phát triển vùng trồng lúa nếp Hương, đưa sản phẩm gạo nếp Hương trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn của địa phương, đồng thời cần chú ý đến vấn đề tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng trong việc sản xuất hàng hóa, đặc biệt là chú trọng đảm bảo chất lượng, uy tín sản phẩm; đặc biệt chính quyền địa phương cần quan tâm thực hiện tốt vai trò cầu nối, đẩy mạnh sự liên kết giữa doanh nghiệp với bà con nông dân từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc quảng bá, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, từng bước tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xóa nghèo tiến tới làm giàu chính đáng của người dân địa phương, từng bước nâng cao vị thế của thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Một số hình ảnh về nếp hương Bảo Lạc: